Nhảy đến nội dung

Lô hội

 

1. Tổng quan

Tên khác: Nha đam, Tượng đảm, Hổ thiệt.

Tên khoa học: Aloё spp. (Hai loài được sử dụng nhiều: Aloё vera (L.) Burm.f. và Aloё ferox Mill.).

Họ: Asphodelaceae (họ Lô hội).

2. Mô tả

Cây sống nhiều năm, thân có thể hóa gỗ, phần trên mang lá tập trung thành hình hoa thị.

Lá hình mũi mác dày, mọng nước, có nhiều chất nhầy nên giữ nhiều nước làm cho cây thích ứng được nơi khô hạn.

Khi ra hoa thì trục hoa nhô lên ở giữa bó lá, mang chùm hoa màu vàng hoặc đỏ.

Aloё ferox Mill. có thân cao từ 2 – 5 m, lá mọc thành hoa thị dày, dài 15 -50 cm, rộng 10 cm ở gốc, có gai ở mặt dưới lá và ở mép lá. Hoa màu đỏ. 

Aloё vera L. có thân ngắn: 30 – 50 cm. Lá chỉ có gai ở 2 mép. Hoa màu vàng.

3. Phân bố, sinh học và sinh thái

Lô hội dùng ở nước ta (cả đông y và tây y) chủ yếu là nhập của nước ngoài. 

4. Bộ phận dùng, thu hái, chế biến

Dùng tươi hay lấy nhựa Lô hội: Dịch rỉ của lá cây sau khi bị cắt được cô thành cao khô, dạng khối rắn có màu đen. Phần thịt lá: Phần thịt của lá tươi đã loại vỏ và chất nhầy từ thịt lá.

5. Thành phần hoá học

Hoạt chất chính trong nhựa Lô hội là anthraglycosid (chủ yếu là aloin A và aloin B ), chiếm 15 – 30% là thành phần chính của nhựa lô hội, chất nhầy.

6. Tác dụng dược lý - Công dụng

Lô hội (nhựa) ở liều nhỏ (0,05 – 0,1 g) có tác dụng kích thích tiêu hóa, nhuận tràng. Liều cao (0,15 – 2 g) là vị thuốc tẩy. Lô hội còn có tác dụng thông mật. Chất nhầy trong lá được dùng trị bỏng và sử dụng trong mỹ phẩm.