1. Tổng quan
Tên khác: Quế đơn
Tên khoa học: Cinnamomum cassia (L.) J.Presl
Ngoài ra còn dùng loài: Cinnamomum loureiroi Nees: Quế thanh; Cinnamomum verum J.Presl: quế quan.
Họ: Lauraceae (họ Long não).
2. Mô tả
Cây to, cao 10 – 20 m. Cành hình trụ, nhẵn, màu nâu. Lá mọc so le, dày cứng và dai, hình mác, dài 12 – 25 cm, rộng 4-8 cm, gốc thuôn, đầu nhọn, mặt trên nhẵn, màu lục sẫm bóng, mặt dưới màu xám tro, hơi có lông lúc còn non; gân 3, hình cung, nổi rõ ở mặt dưới, gân bên kéo dài đến đầu lá, gân phụ nhiều, song song; cuống lá to, dài 1,5-2 cm, có rãnh ở mặt trên.
Cụm hoa mọc ở kẽ lá gần đầu cành thành chùy dài 7-15 cm; bao hoa gồm 6 phiến gần bằng nhau, màu trăng, dài 3mm, mặt ngoài có lông nhỏ.
Quả hạch, hình trứng hoặc hình bầu dục, có cạnh dài 1,2 – 1,3 cm, nằm trong đài tồn tại nguyên hoặc chia thùy. Vỏ và lá vò ra có mùi thơm.
Mùa hoa: tháng 4-7; mùa quả: tháng 10-12.
3. Đặc điểm giải phẫu (vi học)
Vi phẫu vỏ:
Ngoài cùng là bần gồm nhiều lớp tế bào xếp thành hàng, khá dày, có nhiều chỗ bị bong ra hoặc nứt rách. Mô mềm vỏ gồm các tế bào hình nhiều cạnh hoặc có dạng chữ nhật nằm ngang, thành mỏng chứa hạt tinh bột rất nhỏ. Rải rác trong mô mềm có tế bào tiết tinh dầu, tế bào tiết chất nhầy, tinh thể calci oxalat hình kim nhỏ. Sát lớp bần có tế bào mô cứng xếp riêng lẻ hay các đám mô cứng xếp thành từng cụm, tế bào hình nhiều cạnh hoặc thuôn dài với thành dày đều đặn. Một số tế bào mô cứng có thành dày theo hình chữ U. Sát libe là vòng mô cứng gần như liên tục với tế bào có thành dày, khoang hẹp. Lớp libe cấp 2 phát triển nhiều, gồm tế bào thành mỏng xen lẫn với một số tế bào biến thành sợi có thiết diện vuông hoặc hơi tròn, thành dày, nằm rải rác. Libe cấp 2 bị tia tủy gồm từ 1 đến 5 dãy tế bào chia cắt thành từng cụm, nhiều tia tủy phát triển rộng ra đến mô mềm vỏ, chứa tinh thể calci oxalat hình kim. Rải rác trong libe còn có tế bào tiết tinh dầu, tế bào tiết chất nhầy, tế bào chứa tinh bột như trong mô mềm vỏ.
Vi phẫu cành:
Mặt cắt hình tròn từ ngoài vào trong có: Biểu bì có một hàng tế bào, mang lông che chở đơn bào. Với cành già ngoài cùng là lớp bần. Mô mềm vỏ có từ 3 đến 5 lớp tế bào, một số tế bào có thành dày lên về một phía; các tế bào chứa tinh dầu và các tế bào mô cứng nằm rải rác trong mô mềm vỏ. Nhóm các tế bào mô cứng sắp xếp thành vòng không liên tục, đi kèm với các bó sợi. Với cành già hơn tế bào cứng tạo thành vòng liên tục. Libe tạo thành bó hay vòng. Tầng phát sinh libe-gỗ. Các mạch gỗ xếp thành hàng hướng tâm. Trong cùng là mô mềm ruột. Các tinh thể calci oxalat hình kim tập trung ờ tia ruột và mô mềm ruột.
4. Đặc điểm bột dược liệu
Bột vỏ: Bột màu vàng nâu hoặc nâu sẫm, mùi thơm, vị cay, hơi ngọt. Nhiều sợi màu vàng nhạt, dài 200 μm đến 400 μm, đường kính 20 pm đến 50 pm, thành dày, khoang hẹp. Tế bào mô cứng gồm hai loại: một loại hình trái xoan hay chữ nhật, thành dày, khoang rộng hay hẹp, có ống trao đổi rõ; một loại tế bào có thành dày lên hình chữ U, khoang hẹp hơn, ống trao đổi rõ. Các tế bào mô cứng thường đứng riêng rẽ hoặc tụ thành từng đám, dài 60 μm đến 120 μm, rộng 30 μm đến 50 μm. Mảnh mô mềm, tế bào thành mỏng, trong chứa hạt tinh bột. Hạt tinh bột nhỏ, hình nhiều cạnh hoặc hơi tròn, đường kính 6 μm đển 15 μm, đứng riêng rẽ hoặc kép đôi, kép ba. Tinh thể calci oxalat hình kim thường bị gãy thành đoạn ngắn. Mảnh bần màu vàng nâu, gồm tế bào hình nhiều cạnh, thành khá dày.
5. Phân bố, sinh học và sinh thái
Quế có nguồn gốc ở Việt Nam, được trồng từ lâu ở một số tỉnh miền Trung và miền Bắc Việt Nam.
Quế là cây gỗ ưa sáng và chịu bóng, nhất là thời kỳ cây còn nhỏ (1-5 năm). Cây ưa khí hậu nhiệt đới nóng và ẩm, nhiệt độ trung bình năm cho cây sinh trưởng phát triển mạnh là 22 – 23°C; độ ẩm không thí trung bình khoảng 80%; lượng mưa hàng năm khoảng 1.600 mm hoặc hơn. Cây mọc được trên nhiều loại đất ẩm, nhiều mùn và tơi xốp, pH: 4,5 – 5,5. Quế có bộ rễ cọc khoẻ, cắm sâu xuống đất nên ít bị đổ khi có gió bão.
6. Bộ phận dùng, thu hái, chế biến
Vỏ thân (Quế nhục – Cortex Cinnamomi cassiae). Thu hoạch vỏ khi cây đã trồng được 10 năm trở lên. Thu hoạch vào tháng 4‑5 và 9‑10 khi cây có nhiều nhựa, dễ bóc; phơi nắng nhẹ cho héo rồi ủ và tạo hình sau đó phơi tới khô. Vỏ khi thu hoạch có thể được cạo bỏ lớp bần ngoài cùng.
Cành nhỏ (Quế chi – Caulis Cinnamomi cassiae).
Tinh dầu quế (Oleum Cinnamomi cassiae).
7. Thành phần hoá học
Vỏ quế: tinh dầu 1‑3% có vị cay, ngọt. Thành phần chính của tinh dầu vỏ quế là aldehyd cinnamic (không dưới 85%). Ngoài ra còn có các hợp chất diterpenoid, phenylpropanoid, chất nhầy, flavonoid, tannin, lignan và coumarin.
Lá: tinh dầu 0,1‑1%. Thành phần chính là aldehyd cinnamic (khoảng 80%).
8. Tác dụng dược lý - Công dụng
Quế nhục trị lưng gối đau lạnh, bụng đau lạnh, nôn mửa, tiêu chảy, bế kinh, đau bụng kinh, phù thũng, tiểu tiện rối loạn (đái không thông lợi, đái nhiều lần).
Quế chi trị cảm mạo phong hàn.