Nhảy đến nội dung

Khắc phục “số ảo” trong báo cáo việc làm sinh viên tốt nghiệp như thế nào?

Vẫn còn nhiều ĐH lúng túng trong việc khảo sát tình hình việc làm của SV tốt nghiệp. Nhiều báo cáo về tỷ lệ SV tốt nghiệp có việc làm không minh bạch, tạo “số ảo”.  Vậy biện pháp nào để khắc phục?

Tỷ lệ tốt nghiệp là chỉ báo quan trọng

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Công văn số 3943/BGDĐT-GDĐH về việc báo cáo về tình hình việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp.

Ngày 19/2/2020 vừa qua, Trung tâm hỗ trợ đào tạo và cung ứng nhân lực thuộc Bộ GD&ĐT gửi Công văn số 07/HTĐT-CƯNL đề nghị các đại học, trường đại học, cao đẳng, học viện phối hợp thực hiện chỉ đạo của Bộ về công khai tình hình việc làm của sinh viên tốt nghiệp.

Tình hình việc làm trong vòng 12 tháng sau tốt nghiệp của người học là chỉ báo quan trọng để đo lường mức độ đáp ứng của chất lượng giáo dục đối với nhu cầu của thị trường lao động.

Từ đó, hằng năm, các trường có những hành động khắc phục cần thiết nhằm bảo đảm việc phát triển chất lượng giáo dục là liên tục và ổn định, sản phẩm đầu ra luôn được xã hội hài lòng.

Các nước, các đại học tiên tiến đều coi trọng việc này, bởi đại học phải có trách nhiệm đối với sản phẩm của họ kể từ khi một người học bước vào trường cho đến khi người ấy qua đời.

Hiện nay, vẫn còn nhiều trường đại học rất lúng túng trong việc khảo sát tình hình việc làm của sinh viên tốt nghiệp, nhiều báo cáo về tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp ra trường có việc làm không minh bạch, tạo “số ảo”.  Vậy khắc phục vấn đề này như thế nào?

Trường ĐH Tôn Đức Thắng (TDTU) là cơ sở giáo dục đại học tiên phong thực hiện khảo sát việc làm của sinh viên từ năm 2007, đến nay đã đạt nhiều kết quả và được đánh giá là khách quan, minh bạch.

Đây cũng là hoạt động bắt buộc của qui trình quản trị theo ISO mà Nhà trường thực hiện để đáp ứng yêu cầu từ các Tổ chức xếp hạng đại học thế giới.

Khảo sát

Khảo sát từ sinh viên năm thứ 3

Thông thường, hoạt động khảo sát việc làm trong vòng 12 tháng kể từ thời điểm người học tốt nghiệp. Tuy nhiên, trong thực tế, TDTU đã được khởi động trước thời điểm người học tốt nghiệp bởi nhiều sinh viên có việc làm khá ổn định từ năm thứ 3 và nhất là học kỳ 8 (cuối năm thứ 4).

Việc triển khai đại trà được tiến hành ngay sau đợt tốt nghiệp của sinh viên; tương ứng với các tháng 1, tháng 4, tháng 6 và tháng 9 hằng năm.

Sinh viên được khảo sát qua nhiều kênh khác nhau trong vòng 12 tháng. Ví dụ: để khảo sát tình hình việc làm của sinh viên tốt nghiệp năm 2018, mốc chặn thời gian tương ứng để khảo sát là các tháng 1,4,6 và tháng 9 của năm 2019.

TDTU đã xây dựng bảng khảo sát việc làm của sinh viên tốt nghiệp gồm thông tin cá nhân (họ và tên, mã số sinh viên, năm sinh, giới tính, ngành học, email, điện thoại..); rồi đến các thông tin chi tiết về tình hình việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp.

3 phương thức khảo sát chính

Khoa quản lý sinh viên nhà trường đã thực hiện 3 phương thức khảo sát chính:

 Thứ nhất, khảo sát trực tiếp bằng bảng khảo sát tại Trường khi Sinh viên tốt nghiệp đến Trường (Khoa quản lý sinh viên) để nhận Bằng tốt nghiệp, thực hiện thủ tục ra Trường; hoặc các công việc khác.

Thứ hai, khảo sát trực tuyến bằng cách gửi đường link trên các kênh truyền thông của Khoa, Trường; hoặc gửi đường link khảo sát qua email để sinh viên biết và cập nhật thông tin việc làm. Cách này được sử dụng chủ yếu để ngoài việc thu thập, còn là việc cập nhật tình hình công việc hằng năm.

Thứ ba, những người tốt nghiệp chưa thể liên lạc được (do về quê, đi nước ngoài học tập lên bậc cao hơn hoặc tìm việc, tự khởi nghiệp...), Khoa sẽ liên hệ qua người thân (cha, mẹ, bạn bè cùng lớp…) để thu thập cho đầy đủ.

Mối quan hệ giữa Nhà trường với các Câu lạc bộ cựu sinh viên từng khóa và từng ngành đóng góp tích cực vào việc bảo đảm thông tin đầy đủ và cân xứng trong trường hợp cuối cùng này.

Qua khảo sát với các hình thức trên thì được biết, tỷ lệ sinh viên có việc làm trong vòng 12 tháng kể từ ngày tốt nghiệp của TDTU vào cuối 2019 như thế là 100%; trong đó, tỷ lệ sinh viên làm đúng và liên quan đến ngành đã học chiếm 94,6%.

Khảo sát khu vực làm việc của sinh viên

TDTU cho rằng, việc khảo sát khu vực làm việc của người tốt nghiệp cho biết thị trường lao động chủ chốt của đầu ra. Điều này cho cơ sở giáo dục đại học biết cần làm gì để điều chỉnh khu vực và/hoặc mở rộng những biện pháp xúc tiến việc làm hay liên kết doanh nghiệp để phát triển các thị trường mục tiêu mà bhà trường muốn nhắm tới.

Bảng dưới đây cho thấy khu vực kinh tế tư nhân đã và đang là khu vực sử dụng đầu ra của TDTU nhiều nhất với gần 68,72% người tốt nghiệp đã và đang làm việc trong khu vực này.

Số liệuSố liệuSố liệu

Khu vực liên doanh và nước ngoài tuyển khoảng 1/5 tổng số đầu ra của Nhà trường (19,67%). Trong đó, những ngành có đầu ra đã và đang làm việc ở khu vực này cao là Kỹ thuật phần mềm (≈ 60%), Khoa học máy tính (45,6%); Ngôn ngữ Anh (30%), Ngôn ngữ Trung Quốc (≈ 30%), Quản trị kinh doanh (23,4%).

Những ngành có người tốt nghiệp được tuyển dụng và làm việc trong khu vực nhà nước nhiều nhất là: Quản lý thể thao, Công tác xã hội học và Luật.

Điều thú vị là những ngành mà người tốt nghiệp chọn cách tự khởi nghiệp, lập doanh nghiệp, cửa hàng, cơ sở kinh doanh riêng cho mình với tỷ lệ cao nhất là: Thiết kế công nghiệp (56,5%), Thiết kế đồ họa (30%), Thiết kế nội thất (28,5%), Thiết kế thời trang (28,5%), rồi đến các ngành như Kỹ thuật hóa học và Kỹ thuật sinh học.

 Điều này cho thấy một thực trạng (dù lớn hay nhỏ) đó là nhân lực đầu ra cho các ngành sản xuất sản phẩm tiêu dùng và xây dựng đang có điều kiện để tự khởi nghiệp thành công hơn các ngành khác. Việc này tất yếu tác động đến chính sách giáo dục và phân bổ nguồn lực của TDTU.

Về phía người học tiềm năng, nhìn vào 2 bảng số liệu trên có thể hình dung được ngay (ngoài thiên hướng hay ý thích tự thân), nên chọn học ngành nào tại TDTU để có thể dễ dàng tìm việc trong khu vực mà mình mong muốn hay có mục tiêu nhắm đến.

Cựu snh viên

Cần có hội cựu sinh viên mạnh

Đối với TDTU, vì tỷ lệ sinh viên của Trường có việc làm trước khi nhận Bằng tốt nghiệp đã chiếm trên 70% (có các ngành đạt gần 100% khi sinh viên còn chưa nhận bằng tốt nghiệp) nên việc khảo sát và lấy thông tin việc làm trực tiếp ngay khi sinh viên đang chờ nhận bằng tốt nghiệp hoặc trước khi nhận bằng là khá dễ dàng.

Thông tin cũng đầy đủ, chính xác; và có thể có nhiều dạng để phục vụ cho nhiều mục tiêu phân tích khác nhau.

Tuy nhiên, không phải các đại học khác cũng đều thế. Ngay cả với TDTU, sau khi ra trường và có việc làm, nhiều sinh viên thay đổi thông tin liên lạc như số điện thoại, email và nhất là phải tập trung cho công việc,...; nên số còn lại rất thiếu sự sẵn sàng cung cấp thông tin khi trường khảo sát.

Từ đó, việc xây dựng các kênh liên lạc khác nhau với cựu sinh viên để thu thập thông tin phản hồi gặp khó khăn và phải mất nhiều thời gian. Đó là chưa nói đến việc người được khảo sát phần lớn không thích việc trả lời các bảng khảo sát quá dài, quá chi tiết, hoặc có nội dung chỉ quan tâm đến ý muốn chủ quan (làm sao lấy thông tin cho thật nhiều) của phía người khảo sát.

Do đó, nếu không có một hội cựu sinh viên mạnh, gồm những đầu mối tốt để bảo đảm giữ liên lạc hài hòa và thường xuyên với toàn thể cựu sinh viên, thông tin khảo sát vào bất cứ thời điểm nào đều có khả năng không đầy đủ, không chính xác.

Đặc biệt là việc cập nhật tình hình phát triển từng năm về sau, những thành công hoặc thất bại của cựu sinh viên trong cuộc đời và sự nghiệp của họ...để rút kinh nghiệm...sẽ không có hiệu quả.

Tuy nhiên, cũng nảy sinh những hạn chế quan trọng trong việc đưa ra các chính sách phát triển dài hạn một cách đúng đắn cho cơ sở đại học. Đó là chưa nói đến sự kết nối công việc giữa Nhà trường với Cựu sinh viên cho sự phát triển lâu dài của cả 2 bên cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Để công tác khảo sát nhanh chóng, chính xác thì phải chuẩn bị bảng hỏi ngắn – gọn, dễ hiểu, chỉ lấy đủ thông tin cần thiết.

Chỉ trong một trang A4, người khảo sát hoàn toàn có thể lấy đủ thông tin để phân tích về việc làm sinh viên, đại học, sau đại học, thu nhập, đánh giá của người sử dụng lao động về chất lượng làm việc, mối quan hệ giữa người sử dụng lao động với Khoa, Trường và sinh viên trong xúc tiến việc làm... Khảo sát tiện lợi nhất là qua thư điện tử, điện thoại.

Với các bước khảo sát trên, thị trường lao động tay nghề cao sẽ sớm đầy đủ thông tin, minh bạch. Từ đó sẽ thúc đẩy có hiệu quả sự phát triển của thị trường đầu tư và kinh doanh.

Hạn chế việc mạnh cơ quan nào cơ quan ấy gửi bảng khảo sát; khiến người được khảo sát rất ngán và không muốn trả lời.

Tiến sĩ Võ Hoàng Duy, Phó Hiệu trưởng, Giám đốc Trung tâm hợp tác doanh nghiệp và Cựu sinh viên trường ĐH Tôn Đức Thắng.

Báo Dân trí.