Nhảy đến nội dung

Ly kỳ sâm Ngọc Linh: Vườn sâm 'bí mật' ở Lâm Đồng

Hướng về H.Lạc Dương (Lâm Đồng), trên cao nguyên Lang Biang nơi đầu nguồn dòng Đa Nhim có một vườn sâm quý mà các nhà khoa học giấu kín 5 năm qua.

Rất ít người biết nơi này có một vườn sâm Ngọc Linh (NL) từ 1 - 5 năm tuổi của các nhà khoa học VN - Hàn Quốc: GS-TS Nguyễn Minh Đức (nguyên giảng viên Trường ĐH Y Dược TP.HCM, hiện công tác tại Khoa Dược Trường ĐH Tôn Đức Thắng), GS-TS Park Jeong-hill (ĐH Quốc gia Seoul, nguyên Chủ tịch Hội Nhân sâm Hàn Quốc), TS Yu Yun-hyun (nguyên Giám đốc Trung tâm nghiên cứu trồng trọt nhân sâm Hàn Quốc) và TS Lê Thị Hồng Vân (giảng viên Trường ĐH Y Dược TP.HCM).

Kỳ tích trồng sâm

Suốt thời gian dài, nhiều người không tin giống sâm NL có thể di thực trồng thành công ở địa phương khác có độ cao thấp hơn vùng núi Ngọc Linh (thuộc hai tỉnh Quảng Nam và Kon Tum). Những năm gần đây, nhà sư Thích Huệ Đăng và một vài nhà khoa học đã nghiên cứu trồng sâm này trên Lâm Đồng từ nguồn nuôi cấy mô - in vitro. Các phương tiện truyền thông hào hứng đăng hàng loạt tin bài sốt dẻo chuyện này như một sự kiện mang tính đột phá. Tuy nhiên, trồng sâm NL từ cây giống in vitro thật sự thành công hay chưa vẫn còn nhiều tranh cãi. Thậm chí, có nhà khoa học nhiều năm nghiên cứu sâm NL thẳng thắn nhận định: “Chưa thể kết luận trồng loại sâm này tại Lâm Đồng bằng cây giống in vitro là thành công. Trên thế giới hiện nay, tất cả các loại sâm đều trồng bằng hạt”.

Trồng thành công nơi xa vùng bản địa

Vườn sâm Ngọc Linh của nhóm nhà khoa học Việt - Hàn cũng xác lập kỷ lục chưa từng có: Lần đầu tiên sâm này được trồng đại trà trên cánh đồng bằng phẳng với mái che nhân tạo, phân bố trồng sâm xa nhất về phía nam, gần đường xích đạo nhất (vĩ độ 12 độ bắc) của các loài panax. Lần đầu tiên sâm Ngọc Linh di thực và trồng lớn thành công tại Lâm Đồng, nơi có độ cao thấp (tương đương 1.400 m), nhiệt độ trung bình cao hơn và cách xa vùng sâm bản địa Ngọc Linh.

Gần đây chỉ một số rất ít cây sâm NL vô tính này ra hoa cũng đã có nhà khoa học thốt lên: “Kỳ tích”. Nghe nói có người từng “treo thưởng” 1 tỉ đồng nếu ai làm cho sâm trồng bằng cây giống cấy mô ra hoa. Bởi việc sâm ra hoa kết trái không chỉ là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá sự thành công của sâm NL trồng trên vùng đất mới mà còn tạo ra nguồn giống để phát triển bền vững.

Nhưng giờ đây, có thể nói các nhà khoa học Việt - Hàn đã tạo một “kỳ tích”. Vườn sâm NL 3.000 m2 ở H.Lạc Dương được trồng hoàn toàn bằng hạt. Chúng sinh trưởng tốt, ra hoa kết trái, đặc biệt tạo ra những củ sâm có khối lượng, số lượng và hàm lượng hoạt chất tương đương vùng sâm bản địa Ngọc Linh. Trên đường vào vườn sâm, TS Hồng Vân tiết lộ: “Chúng tôi thành công nhờ áp dụng các biện pháp khoa học hiện đại, học hỏi kinh nghiệm lâu năm của Hàn Quốc. Năm 2014 mua hạt sâm giống từ vùng Ngọc Linh về trồng, kết quả nảy mầm phát triển chồi lá đạt hơn 80%. Tiếp tục chăm sóc đến năm thứ 3, sâm lần lượt nở hoa, ai cũng mừng, còn tôi như muốn khóc”.

Trong khi đó, GS-TS Nguyễn Minh Đức cho biết đây là thành tựu khoa học rất ý nghĩa, là bước ngoặt khởi đầu cho tham vọng nhân rộng giống sâm quốc bảo. Dựa trên hiểu biết, kinh nghiệm từ quá trình nghiên cứu của nhóm về sâm NL, kết hợp công nghệ trồng nhân sâm Hàn Quốc, từ đó đưa ra công nghệ thích hợp trồng sâm bằng hạt trên địa hình đất bằng phẳng với thiết kế mái che nhân tạo.

“Chúng tôi sẽ từng bước thiết lập quy trình trồng trọt chuẩn cho sâm VN, áp dụng GAP, tiến tới trồng hữu cơ organic và công nghệ 4.0 với mong muốn sâm VN được sản xuất đại trà; người nghèo, người bệnh có thể mua được chứ không chỉ người giàu. Và trong tương lai, giống sâm quý của VN có thể đủ sản lượng để xuất khẩu”, GS Nguyễn Minh Đức nói.

Khám phá vườn sâm “công nghệ”

Nếu mường tượng các vườn sâm NL phải được trồng dưới các tán rừng nguyên sinh, nơi có sẵn thảm thực vật mục dày ở dãy Ngọc Linh heo hút với độ cao từ 1.600 - 1.800 m, sẽ rất bất ngờ khi đến vườn sâm của nhóm nhà khoa học Việt - Hàn. Vườn sâm của họ nằm ở độ cao 1.400 m, không cách xa quốc lộ, nhìn từ xa cứ ngỡ như khu nhà kính trồng rau. Trên đường đi vào vườn, TS Hồng Vân nói: “Việc sản xuất sâm VN (sâm NL - PV) hiện nay chủ yếu theo phương pháp truyền thống, trồng dưới tán rừng. Còn vườn sâm ở đây được chăm sóc trong hệ thống mái che nhân tạo, kiểm soát tối ưu độ chiếu sáng mặt trời, lượng nước tưới...”.

Trồng sâm công nghệ cao

“Sâm VN (còn gọi là sâm NL - PV) đã di thực thành công ở Lâm Đồng tại tiểu vùng sinh thái Đà Lạt - Lạc Dương với quy trình trồng theo hướng công nghệ cao. Tác động khoa học công nghệ để phá vỡ miên trạng hạt giống để hạt giống có tỷ lệ nảy mầm cao và đồng đều, đây là một trong những bí quyết công nghệ cực kỳ quan trọng đối với sâm VN. Trồng sâm hữu tính với tỷ lệ cây sống hơn 80% trên diện rộng, ngoài cánh đồng, trong nhà lưới, có ánh sáng tán xạ tương đồng với vùng nguyên sản. Cạnh đó, tạo hỗn hợp giá thể cân đối dinh dưỡng, hàm lượng mùn cao tương đương đất rừng nguyên sản, chủ động cân đối dinh dưỡng đáp ứng yêu cầu sinh lý tốt nhất cho sâm. Ứng dụng công nghệ tưới nước nhỏ giọt phù hợp với mọi điều kiện thời tiết... Thường xuyên theo dõi hàm lượng saponin hằng năm để điều chỉnh chế độ dinh dưỡng nhằm canh tác sâm có hàm lượng saponin cao nhất. Hạt giống thứ cấp vẫn tiếp tục nhân giống với tỷ lệ nảy mầm cao, cho phép mở rộng diện tích quy mô hàng hóa, góp phần tạo giá thành phù hợp...”.

(Trích phát biểu kết luận của TS Phạm S, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng tại Hội thảo phát triển sâm VN công nghệ cao lần thứ nhất tại Lâm Đồng)

Vừa bước vào vườn sâm gặp ngay những luống sâm. Trên đó hàng chục ngàn cây sâm nhỏ, lá xanh mơn mởn, mọc phơi phới như... rau. Tôi hỏi TS Hồng Vân: “Nhiều người nói sâm NL khó trồng lắm vì cần khí hậu, thổ nhưỡng... như vùng đất Ngọc Linh?”. Cô TS trẻ chia sẻ: “Trồng thành công giống sâm này tại đây nhờ nghiên cứu tạo ra các thành phần đất và áp dụng khoa học công nghệ để tạo môi trường sinh trưởng lý tưởng”. Đi tiếp, thấy những luống sâm đã trồng định hình, tịnh tiến theo từng năm tuổi. Tất cả đều phát triển tốt trên nền đất nhân tạo. Để tìm hiểu rõ hơn, về TP.HCM tôi tìm gặp GS-TS Nguyễn Minh Đức, ông hào hứng: “Sâm NL trồng tại Lạc Dương hoàn toàn bằng hạt, có tỷ lệ nảy mầm rất cao. Sâm trưởng thành có đến 90% cây ra hoa, kết trái, tạo hạt, tăng trưởng sinh khối tốt... Đó là một kết quả đáng khích lệ”.

Đến tháng 8.2019, những cây sâm NL đầu tiên trồng ở trại đã “mừng sinh nhật” 5 tuổi. Thời điểm chúng tôi đến, những cây sâm ở tuổi này đang vào kỳ rụi lá, không còn hoa và quả. Tuy nhiên, dấu vết lưu lại trên những chiếc nhánh vẫn đủ tin cậy sâm ở đây đơm hoa kết quả hàng loạt.

Điều hết sức quan trọng để đánh giá sự thành công của sâm trồng là khối lượng củ, số lượng, hàm lượng hoạt chất saponin. GS-TS Nguyễn Minh Đức cho biết: “Sâm NL ở đây có rễ và thân rễ phát triển tốt, từ năm thứ 6 có thể thu hoạch củ với trọng lượng trung bình từ 50 - 100 gr/củ tươi. Đặc biệt, hàm lượng saponin qua kiểm định vượt xa yêu cầu của dược điển VN”. Kết quả phân tích này đã được trình bày tại Hội thảo quốc tế về phát triển sâm VN công nghệ cao lần thứ nhất diễn ra giữa tháng 8.2019 tại Lâm Đồng. (còn tiếp)

Quang Viên (quangvientn@gmail.com)

Báo Thanh Niên.