Nhảy đến nội dung

TDTU và ĐH Chulalongkorn phối hợp tổ chức hội thảo khoa học trực tuyến chuyên ngành Dược

Trong khuôn khổ hợp tác về học thuật và nghiên cứu giữa Khoa Dược, Đại học Tôn Đức Thắng và Khoa Dược, Đại học Chulalongkorn (Thái Lan), ngày 14/6/2021, buổi trao đổi học thuật giữa hai đơn vị đã được tổ chức dưới hình thức trực tuyến. Đây là hoạt động tiếp nối các hoạt động trao đổi học thuật tại Đại học Chulalongkorn vào 02/2020 và hội thảo khoa học trực tuyến vào tháng 9/2020.

Buổi trao đổi học thuật ngày 14/6/2021 được tổ chức trên nền tảng Google Meeting. Chương trình hội nghị được tổ chức gồm 2 phần, buổi sáng từ 9h-10h30 và buổi chiều lúc 14h-15h30. Về phía Khoa Dược TDTU, buổi hội thảo có sự tham gia của:
•    TS. Nguyễn Minh Hiền chịu trách nhiệm điều phối buổi hội thảo
•    TS. Lê Bảo và TS. Lê Thùy Hương, báo cáo viên của hội thảo
•    Cùng Quý Thầy Cô là giảng viên của Khoa Dược và 42 sinh viên của Khoa Dược.

Về phía Khoa Dược của Đại học Chulalongkorn có sự tham gia của
•    PGS. TS. Associate Prof. Varisa Pongrakhananon và PGS. TS. Sorkanok Vimolmangkang, báo cáo viên của hội thảo
•    10 sinh viên của Đại học Chulalongkorn.

TS. Lê Thùy Hương
TS. Lê Thùy Hương trình bày về các nghiên cứu trên ung thư phổi.

Buổi sáng, TS. Lê Thùy Hương trình bày nghiên cứu “Hợp chất ức chế protein sốc nhiệt HSP90 hướng đích tế bào gốc của ung thư phổi không tế bào nhỏ”. Nghiên cứu đã phát hiện hợp chất panaxynol chiết xuất trong Nhân sâm có khả năng ức chế hiệu quả HSP90 có trong ung thư phổi không tế bào nhỏ, từ đó ức chế hiệu quả sự phát triển tế bào ung thư nhưng ít độc tính trên tế bào thường. Cũng cùng chủ đề ung thư phổi, PGS. TS Varisa Pongrakhananon trình bày về tác dụng chống ung thư của các hợp chất glycoside tim có khung steroid, phần đường và vòng lactone. Nhờ vào tác dụng ức chế Na/K-ATPase, các hợp chất này có khả năng ức chế sự phát triển khối u thông qua tương tác với gen tiền ung thư hoặc ức chế dòng tín hiệu kích hoạt bởi ion calci. Tuy nhiên hạn chế của các hợp chất này là độc tính trên tim dẫn đến khó áp dụng nhóm hợp chất này trong điều trị ung thư. Do đó cần có các nghiên cứu sâu hơn để biến đổi cấu trúc nhằm hạn chế độc tính nhưng vẫn ức chế hiệu quả tế bào ung thư.

PGS. Sornkanok
PGS. TS. Sornkanok Vimolmangkang trình bày về tiềm năng kháng oxi hóa và chống lão hòa của Rau má nuôi cấy mô

Buổi chiều, TS. Lê Bảo trình bày về các nghiên cứu trên nhóm hợp chất isoflavone và saponin trong Đậu nành. Nội dung trình bày tóm tắt những nghiên cứu mới nhất về việc phân lập, tác dụng sinh học, tác dụng không mong muốn và khả năng áp dụng các hợp chất này để phát triển thực phẩm chức năng. Ngoài ra, báo cáo viên cũng trình bày quy trình xác định các đặc tính của ngân hàng giống để tăng nồng độ các hợp chất hoạt tính sinh học quan trọng trong Đậu nành. Sau phần trình bày của TS. Lê Bảo, PGS. TS. Sornkanok Vimolmangkang trình bày về tiềm năng kháng oxi hóa và chống lão hòa của Rau má nuôi cấy mô. Nghiên cứu của tác giả cho thấy Rau má nuôi cấy mô có thành phần hóa học khác biệt so với Rau má trồng. Thử nghiệm trên mô hình độc tế bào sợi do hydrogen peroxide cho thấy dịch chiết có khả năng bảo vệ tế bào sợi trước độc tính của hydrogen peroixide. Kết quả thử nghiệm RT-qPCR cho thấy dịch chiết Rau má nuôi cấy mô có khả năng tăng biểu hiện các enzyme chống oxy hóa, giúp giảm stress oxy hóa. Ngoài ra dịch chiết callus còn ức chế tạo thành metalloprotease-9, gợi ý khả năng chống lão hóa của dược liệu này. Các dữ liệu trên cho thấy tiềm năng của Rau má nuôi cấy mô trong việc phát triển dược phẩm chống lão hóa.

TS. Lê Bảo
TS. Lê Bảo trình bày các nghiên cứu về thành phần isoflavone và saponin trong Đậu nành.


Các báo cáo đã thu hút sự chú ý và thảo luận sôi nổi của giảng viên, học viên sau đại học và sinh viên. Đặc biệt, đây là dịp để sinh viên Khoa Dược TDTU có cơ hội tiếp cận được với các tiến bộ trong nghiên cứu ngành Dược, khơi gợi niềm đam mê học tập nghiên cứu cũng như tạo động lực để sinh viên tự trau dồi khả năng Anh ngữ.