Nhảy đến nội dung

Triclosan thể hiện độc tính mạnh trên mô hình C. elegans

Triclosan (TCS) là một kháng sinh thường dùng trong các sản phẩm chăm sóc cá nhân và gia dụng. Tuy nhiên, gần đây, TCS trở thành một trong những tác nhân chính gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe con người.

1-s2.0-S0045653519315176-egi10K99TB5923_lrg.jpg


Trong một nghiên cứu của Kim Hyung Min và cộng sự đăng trên tạp chí Chemosphere, độc tính của TCS được đánh giá trên đối tượng Caenorhabditis elegans và kết quả được xử lý bằng phương pháp thống kê  chất chuyển hóa thứ cấp (metabolomics). C. elegans sau khi tiếp xúc với TCS được đánh giá về thời gian sống, khả năng vận động cũng như khả năng sinh sản. Kết quả cho thấy với liều 1 mg/L, TCS làm giảm thời gian sống của C. elegans khoảng 3 ngày, giảm đáng kể khả năng vận động và sinh sản. TCS cũng làm tăng stress oxy hóa trên C. elegans trong thử nghiệm phát hiện gốc oxy hóa tự do (Radical oxygen species, ROS) với thuốc thử H2DCF-DA. Kết quả phân tích metabolomic cũng cho thấy dưới tác động của TCS, nồng độ carbohydrates và các amino acid liên quan đến quá trình sinh năng lượng cũng như dẫn truyền thần kinh có sự thay đổi đáng báo động. Với các kết quả trên cho thấy, TCS đã gây ra độc tính trên các kiểu hình của mo hình thử nghiệm thông qua nhiều cơ chế khác nhau.

Nghiên cứu có sự đóng góp của TS. Nguyễn Trường Huy, Phụ trách khoa Dược, Trường Đại học Tôn Đức Thắng, nghiên cứu sinh Nguyễn Phước Long và Yoon Sangjoon, dưới sự hướng dẫn của GS. Kwon Song Kwon, Khoa Dược, Đại học Quốc gia Seoul. Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Chemosphere (Elselvier, IF: 5.108), tập 236, xuất bản tháng 12, năm 2019 (https://doi.org/10.1016/j.chemosphere.2019.07.037)