Vườn dược liệu Khoa Dược đưa vào hoạt động
Để đáp ứng nhu cầu giảng dạy thực tế môn Nhận thức dược liệu, từ tháng 12/2021, Vườn Dược liệu của Khoa Dược đã được hình thành và đi vào hoạt động. Vườn có quy mô 350 m2 với khoảng 80 cây thuốc thông dụng thuộc hơn 45 họ thực vật bao gồm các loại cây thân thảo, thân bụi, gỗ nhỏ và gỗ nhỡ. Ngoài ra, xung quanh vườn còn được trồng khoảng 20 cây thuốc gỗ lớn góp phần tạo bóng mát. Đây là các loài thực vật được sử dụng điều trị nhiều nhóm bệnh khác nhau và đa phần có trong danh mục cây thuốc thiết yếu được Bộ Y tế ban hành.
Trong buổi học tại vườn, sinh viên sẽ tiếp xúc trực tiếp với các cây thuốc thông dụng với các đặc điểm nhận biết về thực vật học, được tận tay sờ, ngửi, nếm các cây thuốc được dùng. Điều này có ý nghĩa quan trọng hơn khi quá trình đô thị hóa nhanh làm thu hẹp diện tích cây xanh, dẫn đến việc một số sinh viên ngành Dược ít có cơ hội tiếp xúc thực tế với cây thuốc. Ngoài ra, sinh viên được cung cấp các thông tin về tên khoa học, thành phần hóa học, bộ phận dùng và công dụng điều trị của các cây này. Đây là tiết học thực tế nhằm hiện thực hóa các kiến thức lý thuyết đã được học, giúp sinh viên rèn luyện kỹ năng nhận biết cây thuốc, phân biệt với các loài có đặc điểm tương tự, tránh nhẫm lẫn và phát hiện dược liệu giả mạo.
Ngoài ra, Vườn Dược liệu trong tương lai sẽ đóng vai trò cung cấp mẫu thực vật và nguyên liệu cũng như lưu giữ một số Dược liệu hiếm cho các hoạt động nghiên cứu khoa học, nhất là lĩnh vực thực vật và dược liệu.
Cùng với hệ thống phòng thí nghiệm, Vườn Dược liệu được thành lập và đưa vào hoạt động có ý nghĩa quan trọng trong việc giúp sinh viên có thể tiếp cận thực tế các cây thuốc thông dụng được sử dụng trong đời sống hằng ngày, đưa lý thuyết gần với thực tiễn. Điều này giúp tăng cường đáng kể hiệu quả giảng dạy của ngành Dược, nhất là đối với các môn nghiên cứu về sản phẩm tự nhiên như Thực vật, Dược liệu…