Nhảy đến nội dung

WHO công bố tình trạng khẩn cấp và kinh nghiệm của Việt Nam trong phòng chống dịch

Suckhoedoisong.vn - Việc công bố tình trạng y tế khẩn cấp phải dựa trên các tiêu chí như: Số lượng người mắc, số lượng bệnh nhân tử vong, mức độ lan tràn của dịch bệnh, đã áp dụng các biện pháp nhưng chưa ngăn chặn được dịch bệnh. Tuy nhiên, Việt Nam hiện đã và đang triển khai các giải pháp phòng chống dịch còn mạnh hơn cả khuyến cáo của WHO.

WHO đánh giá cao việc tăng cường giám sát, chẩn đoán các ca bệnh của nước ta

Về việc ngày 31/1, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chính thức tuyên bố dịch nCoV là tình trạng y tế KHẨN CẤP TOÀN CẦU, song hiện tại Việt Nam vẫn chưa công bố, chia sẻ thông tin với các nhà báo tại cuộc báo cung cấp thông tin về dịch bệnh này do Bộ Y tế tổ chức cuối giờ chiều ngày 31/1, bà Satoko Otsu, Trưởng nhóm đáp ứng sự kiện khẩn cấp của WHO tại Việt Nam cho biết, trong Điều 1 Điều lệ y tế quốc tế quy định 3 tiêu chí để quyết định một sự kiến y tế có trở thành tình trạng y tế toàn cầu hay không.

Đại diện WHO tại Việt Nam cũng đánh giá cao việc tăng cường giám sát, chẩn đoán các ca bệnh do nCoV của Việt Nam

Thứ nhất, sự kiện gây quan ngại toàn cầu, có đặc biệt bất thường; thứ hai, có nguy cơ lây lan quốc tế; thứ ba, đòi hỏi mức độ đáp ứng toàn cầu.

Tại đây, bà Satoko Otsu cũng giải thích: Việc công bố không có nghĩa là nâng cấp độ nguy cơ hay dịch bệnh đang đe doạ toàn cầu

Theo bà Otsu, việc ban bố tình trạng y tế khẩn cấp do dịch cần có sự phối hợp toàn cầu để làm việc cùng nhau, hỗ trợ nhau để đáp ứng dịch.

Đại diện WHO tại Việt Nam cũng đánh giá cao việc tăng cường giám sát, chẩn đoán các ca bệnh và thấy rõ sự cam kết của Chính phủ Việt Nam, sự đoàn kết của các ban ngành song hành cùng Bộ Y tế để đối phó với dịch.

Việt Nam chưa lần nào công bố tình trạng y tế khẩn cấp

PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, đây là lần thứ 6, WHO công bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu, tuy nhiên Việt Nam chưa từng công bố tình trạng khẩn cấp. 5 lần trước WHO từng công bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu gồm: Đại dịch cúm A/H1N1 năm 2009, bệnh bại liệt năm 2014, đại dịch Ebola ở Tây Phi năm 2014, dịch do virus Zika năm 2016, đại dịch Ebola ở Cộng hòa dân chủ Congo năm 2019.

Việt Nam chưa lần nào công bố tình trạng khẩn cấp, kể cả năm 2009 số lượng người mắc virus H1N1 ở Việt Nam lên tới gần 10.000 người, 22 ca tử vong, thời điểm đó chúng ta cũng không công bố tình trạng khẩn cấp.

Theo Điều 42 của Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm năm 2007, việc ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch được thực hiện theo nguyên tắc sau đây: Khi dịch lây lan nhanh trên diện rộng, đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe con người và kinh tế - xã hội của đất nước thì phải ban bố tình trạng khẩn cấp; việc ban bố tình trạng khẩn cấp phải công khai, chính xác, kịp thời và đúng thẩm quyền.

Uỷ ban thường vụ Quốc hội ra nghị quyết ban bố tình trạng khẩn cấp theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ; trong trường hợp Uỷ ban thường vụ Quốc hội không thể họp ngay được thì Chủ tịch nước ra lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp.

Việc công bố tình trạng y tế khẩn cấp phải dựa trên các tiêu chí như: Số lượng người mắc, số lượng bệnh nhân tử vong, mức độ lan tràn của dịch bệnh, đã áp dụng các biện pháp nhưng chưa ngăn chặn được dịch bệnh,…

Tại Việt Nam, tùy tình hình dịch, Bộ Y tế và các ban ngành liên quan sẽ có tham mưu với Chính phủ để có đáp ứng phù hợp

Kinh nghiệm từ phòng chống dịch của Việt Nam

PGS.TS Trần Đắc Phu- nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế

Chia sẻ về kinh nghiệm của Việt Nam trong phòng chống các dịch bệnh mà WHO đã thông báo tình trạng khẩn cấp về y tế toàn cầu, PGS.TS Trần Đắc Phu cho hay, việc mở thông thoáng các cửa để không khí lưu thông chính là một trong những nguyên nhân quan trọng để virus gây bệnh SARS không lưu cữu lâu trong không khí buồng bệnh, không lây lan ra nhân viên y tế và người bệnh cùng điều trị trong bệnh viện.

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương đã tìm ra một phương pháp ngăn lây lan phù hợp và giờ đây cũng được áp dụng với dịch nCoV ở Việt Nam.

“Những ngày này, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương lại thành điểm cách ly, điều trị cho bệnh nhân mắc và nghi mắc nCoV, họ đã vượt qua vụ dịch SARS, dịch cúm gia cầm, cúm H1N1 đại dịch... Họ là những người chữa các bệnh dịch nguy hiểm chuyên nghiệp”- PGS.TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh.

Còn ThS. BS Nguyễn Hồng Hà- nguyên phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương, ở thời điểm xảy ra dịch SARS 2003- là người phụ trách điều trị cho bệnh nhân cho rằng, chính những bài học rút ra từ các đợt chống dịch bệnh truyền nhiễm do cúm A/H1N1, H5N1, MERS-CoV và đặc biệt là SARS đã giúp cho Việt Nam bình tĩnh chủ động đưa ra những phương án ứng phó thích hợp với dịch nCoV lần này.

"Bí quyết thì không hẳn, chúng tôi không có bí quyết gì, chỉ điều trị triệu chứng, rồi mở rộng cửa sổ, cửa đi của buồng bệnh cho thông thoáng. Toàn bộ 34 bệnh nhân SARS chuyển sang Bệnh viện chúng tôi ngày đó đều được điều trị khỏi, người cuối cùng được ra viện vào tháng 5/2003. Nhưng từ 18/4/2003, sau 20 ngày không có thêm bệnh nhân mới, Việt Nam đã công bố khống chế dịch SARS và trở thành nước đầu tiên trên thế giới công bố khống chế được dịch" – ThS.BS Hồng Hà chia sẻ.

 

 

Thái Bình