1. Tổng quan
Tên khác: Artichaut (Pháp), Artichoke (Anh).
Tên khoa học: Cynara scolymus L.
Họ: Asteraceae (họ Cúc).
2. Mô tả
Cây thảo lớn, sống hai năm hoặc lâu năm, cao 1-1,2 m, có thể lên đến 2 m. Thân ngắn, thẳng và cứng có khía dọc, phủ lông trắng như bông.
Lá to, dài, mọc so le; phiến lá xẻ thùy sâu hình lông chim; mép thùy khía răng cưa to, đỉnh răng cưa thường có gai rất nhỏ, mềm. Mặt trên lá màu nâu hoặc lục, mặt dưới màu xám trắng, lồi nhiều và những rãnh dọc rất nhỏ song song.
Cụm hoa hình đầu ở ngọn các nhánh của thân màu đỏ hoặc tím lơ nhạt; lá bắc ngoài của cụm hoa rộng, dày và nhọn, đế cụm hoa nạc, phủ đầy lông tơ, mang toàn hoa hình ống.
Quả nhẵn bóng, màu nâu sẫm, có mào lông trắng.
Mùa hoa quả: Tháng 12-2.
3. Đặc điểm bột dược liệu
Bột lá: Mảnh biểu bì phiến lá gồm những tế bào hình nhiều cạnh, mang lỗ khí và lông che chở. Mảnh biểu bì gân lá gồm tế bào hình chữ nhật, thành mỏng. Mảnh mạch xoắn, mạch mạng, mạch vòng và mạch vạch. Mảnh mô mềm. Nhiều khối nhựa màu nâu, kích thước to nhỏ không nhất định.
4. Phân bố, sinh học và sinh thái
Cây được di thực vào trồng ở nước ta, nhiều nhất ở Đà Lạt, Sapa, Tam Đảo. Có thể trồng được ở đồng bằng.
5. Bộ phận dùng, thu hái, chế biến
Lá (Folium Cynarae scolymi) được thu hái quanh năm, rọc lấy phiến lá, rửa sạch rồi dùng tươi hoặc phơi, sấy khô. Thu hái lá quanh năm (khoảng 10-15 ngày cắt lấy các lá trưởng thành một lần) đến khi thu hoạch hoa thì chặt bỏ cây và trồng cây con mới.
Cụm hoa đầu (Flos Cynarae scolymi) được hái lúc chưa nở, dùng tươi hoặc khô.
6. Thành phần hoá học
Lá chứa các dẫn xuất acid mono-caffeoylquinic (acid chlorogenic, 3-caffeoylquinic…); các dẫn xuất acid di-caffeoylquinic (cynarin, 1,5-dicaffeoylquinic…); flavonoid (cynarosid, scolymosid). Cynarin và acid chlorogenic được xem là hoạt chất chính của Actisô.
Cụm hoa chứa inulin, protid, lipid, đường, khoáng (Mn, P, Fe), vitamin (A, B1, B2, C).
7. Tác dụng dược lý - Công dụng
Actisô được làm thuốc bảo vệ gan, giải độc gan, lợi tiểu, lợi mật và hạ lipid máu.
Lá Actisô được dùng dưới dạng thuốc sắc, nấu cao hoặc có thể bào chế dưới nhiều dạng khác nhau (viên, ống uống, sirô, trà…).
Hoa Actisô thường dùng tươi làm thực phẩm và dùng khô làm trà.
Dân gian còn dùng rễ và thân.