Nhảy đến nội dung

Ba dót

 

1. Tổng quan

Tên khác: Bả dột, Cà dót, Mần tưới tía

Tên khoa học: Ayapana triplinervis (Vahl) R.M.King & H.Rob. Synonym: Eupatorium ayapana Vent. hoặc Eupatorium triplinerve Vahl.

Họ: Asteraceae (họ Cúc).

2. Mô tả

Cây thảo, mọc thành bụi dày, cao 40 – 50 cm. Thân tròn nhẵn, màu đỏ nhạt hoặc đỏ tía. Lá mọc đối ở phía gốc và so le ở gần ngọn, hình mác, gốc thuôn do phiến lá men theo cuống, đầu nhọn, dài 6 – 8 cm, rộng 10 – 12 mm, mép nguyên, gân giữa to, hai gân bên xuất phát từ gốc, hai mặt nhẵn; lá vò ra có mùi thơm nhẹ.

Cụm hoa mọc ở kẽ lá hoặc gần ngọn thành ngù mang nhiều đầu nhỏ, hoa màu hồng; tổng bao có 2 – 3 hàng lá bắc hình chỉ, mỗi đầu có 15 – 20 hoa; tràng hình ống, có thùy tam giác; bao phấn không có tai, mào lông dài bằng tràng.

Quả bế nhẵn, có 5 khía và tận cùng bằng một mào lông trắng dễ rụng.

Mùa hoa quả: Tháng 10 – 12

3. Phân bố, sinh học và sinh thái

Nguồn gốc từ châu Mỹ, có tài liệu cho rằng, nó được nhập vào Việt Nam từ lâu, sau trở lên hoang dại hóa.  

Ba dót là cây ưa ẩm, ưa sáng đồng thời cũng có thể chịu được bóng trong điều kiện trồng ở vườn. Cây sinh trưởng tốt trong điều kiện nhiệt đới nóng và ẩm. Từ một nhánh con và cành trồng ban đầu, sau một năm đã thành một bụi lớn. Cây đẻ nhánh rất khoẻ, phần gốc được chừa lại sau khi cắt sẽ tiếp tục tái sinh. Ba dót ra hoa quả nhiều hàng năm. Hiện nay chưa rõ về khả năng nhân giống bằng hạt

4. Bộ phận dùng, thu hái, chế biến

Lá (Folium Eupatorii) hay toàn cây trên mặt đất (Herba Eupatorii), thu hái khi cây chưa ra hoa (thường vào mùa hạ), phơi trong râm hay sấy khô nhẹ.

5. Thành phần hoá học

Toàn cây có coumarin (herniarin hay 7-methoxy coumarin, ayapin), tinh dầu (thymohydroquinon dimethyl ether hay 2,5-dimethoxy-p-cymen) và một số hợp chất khác như acid béo, alcol béo.

6. Tác dụng dược lý - Công dụng

Theo kinh nghiệm dân gian, nước sắc lá Ba dót uống có tác dụng chống viêm, giảm đau bụng kinh, chữa cảm sốt, rối loạn tiêu hóa, lá tươi giã nát đắp tại chỗ dùng để cầm máu.