Nhảy đến nội dung

Ba gạc

 

1. Tổng quan

Tên khác: La phu mộc, Ba gạc Cuba

Tên khoa học:  Rauvolfia tetraphylla L. (cây được trồng ở vườn dược liệu)

Ngoài ra, có nhiều loài Ba gạc khác cũng được sử dụng làm thuốc như:

Rauvolfia serpentina Benth. – Ba gạc Ấn Độ

Rauvolfia. verticillata (Lour.) Baill. (R. cambodiana Pierre ex Pit.) – Ba gạc Việt Nam, Ba gạc lá to

Rauvolfia vomitoria Afzel. – Ba gạc Châu Phi

Rauvolfia littoralis Rusby – Ba gạc lá nhỏ, Huỳnh cầm núi.

Họ: Apocynaceae (họ Trúc đào).

2. Mô tả

Cây nhỏ cao 40-80 cm, có thể đến 2 m, phân cành nhiều.

Lá mọc vòng 4, hai lá nhỏ và hai lá to; lá to có phiến dài 5-8 cm, rộng 2-3 cm, lá nhỏ dài 2,5-5 cm, rộng 1,5-2 cm.

Hoa màu trắng lục hoặc trắng ngà, mọc ở nách lá hoặc ở ngọn cành, tràng hoa hình ống ngắn, phình ra ở hai đầu.

Quả đại xếp từng đôi khi chín màu đỏ sau chuyển dần sang tím đen.

3. Phân bố, sinh học và sinh thái

Gốc ở Trung Mỹ, được trồng ở nhiều nước: Ấn Độ, Trung Quốc, Malaysia… Ta nhập giống trồng từ Liên Xô (trước đây) và Cuba được trồng ở nhiều nơi thuộc vùng trung du và vùng đồng bằng Bắc Bộ. Sau 12-14 tháng, cây có thể cho dược liệu.

4. Bộ phận dùng, thu hái, chế biến

Vỏ rễ và rễ (Cortex et Radix Rauvolfiae), quan trọng nhất là vỏ rễ vì chứa nhiều hoạt chất nhất. Thu hoạch vào mùa thu, đông, đào lấy rễ, cần chú ý bảo vệ lớp vỏ, sau đó rửa sạch, chặt thành từng đoạn nhỏ hay bóc lấy vỏ rễ, phơi khô. Vỏ thân cũng được sử dụng.

5. Thành phần hoá học

Alkaloid (reserpinrescinamin, ajmalin, ajmalicin, yohimbin, papaverin, serpentin,…)

6. Tác dụng dược lý - Công dụng

Ba gạc được dùng để bào chế các chế phẩm cao chiết toàn phần hoặc để chiết các alkaloid tinh khiết như reserpin, rescinamin, ajmalin, ajmalicin làm thuốc trị tăng huyết áp.