1. Tổng quan
Tên khác: Ba kích, Ruột gà, Thao tày cáy (Mán), Ba kích thiên, Sáy cáy (Thái), Chầu phóng sì (Tày), Chổi hoàng kim, Chày kiằng đòi (Dao)
Tên khoa học: Morinda officinalis F.C.How,
Họ: Rubiaceae (họ Cà phê)
2. Mô tả
Cây thảo, sống lâu năm, leo bằng thân quấn. Thân non mầu tím, có lông, phía sau nhẵn. Cành non, có cạnh. Lá mọc đối, hình mác hoặc bầu dục, thuôn nhọn, cứng, dài 6-14 cm, rộng 2,5-6 cm, lúc non mầu xanh lục, khi già mầu trắng mốc. Lá kèm mỏng ôm sát thân.
Cụm hoa mọc thành tán ở đầu, hoa nhỏ, lúc non mầu trắng, sau hơi vàng, tập trung thành tán ở đầu cành, dài 0,3-1,5 cm, đài hoa hình chén hoặc hình ống gồm những lá đài nhỏ phát triển không đều. Tràng hoa dính liền ở phía dưới thành ống ngắn.
Quả hình cầu, khi chín mầu đỏ, mang đài còn lại ở đỉnh.
Mùa hoa: tháng 5-6, mùa quả: tháng 7-10.
3. Đặc điểm giải phẫu (vi học)
Vi phẫu rễ Ba Kích: Mặt cắt dược liệu hình tròn, từ ngoài vào trong có: Lớp bần gồm 2 đến 3 hàng tế bào hình chữ nhật xếp thành vòng tròn đồng tâm và dãy xuyên tâm, trong lớp bần thường có các tế bào chứa bó tinh thể calci oxalat hình kim, sát lớp bân có các tế bào mô cứng xếp liền nhau tạo thành vòng. Mô mềm vỏ dày, cấu tạo bởi những tế bào thành mỏng, xếp lộn xộn, các tế bào ở phần ngoài bị ép bẹp. Phía trong mô mềm là libe, gồm các tế bào nhỏ tạo thành vòng liên tục. Rải rác trong mô mềm và libe có các bó tinh thể calci oxalat hình kim. Gồ gồm các mạch gỗ lớn xếp thành bó, các bó kết hợp với nhau tạo thành lõi hình sao 5,6 cạnh. Trong mô gỗ có những đám tế bào không hóa gỗ.
4. Đặc điểm bột dược liệu
Bột rễ: Bột cỏ màu nâu nhạt, vị hơi chát, mùi thơm dịu. Soi dưới kính hiển vị thấy: Mảnh bần gồm các tế bào hình chữ nhật, mảnh mô mềm cấu tạo bởi các tế bào hình nhiều cạnh thành mỏng, một số tế bào chứa bó tinh thể calci oxalat hình kim. Sợi gỗ. Có nhiều tế bào mô cứng thành dày hóa gỗ, các lỗ trao đổi rõ. Nhiều tinh thể calci oxalat hình kim, dài khoảng 0,1 mm và các đoạn gãy của chúng. Rải rác có các hạt tinh bột và nhiều mạch điểm.
5. Phân bố, sinh học và sinh thái
Ba kích mới chỉ thấy phân bố ở một số tỉnh trung du và miền núi Hòa Bình và Hà Tây. Một vài địa phương khác cũng đã phát hiện thấy cây Ba kích nhưng không đáng kể. Cây còn phân bố ở tỉnh Quảng Tây, Vân Nam…của Trung Quốc.
Ba kích là cây ưa ẩm, ưa sáng và hơi chịu bóng khi còn non. Trong tự nhiên thường thấy Ba kích trong các kiểu rừng thứ sinh hoặc rừng xen tre nứa (ít). Độ cao phân bố phổ biến thường dưới 300 m, trên các loại đất feralit đỏ vàng hay đỏ và hơi chua. Đó cũng là một trong các lí do giải thích tại sao trồng Ba kích ở vùng đồng bằng thấy khó khăn. Cây sinh trưởng mạnh vào mùa hè, ra hoa quả trong vụ hè thu, đến mùa đông nếu gặp sương muối nhiều, cây bị rụng lá.
Trong điều kiện trồng trọt, cây có giá thể leo và được chiếu sáng đầy đủ sẽ ra hoa nhiều nhưng lượng kết quả thấp. Cây Ba kích tự nhiên thường có ít hoa quả hơn cây trồng. Ba kích có khả năng tái sinh cây chồi tốt, sau khi bị chặt phá quá nhiều lần. Ngoài ra bằng cách giâm cành và thân rễ cũng tạo được những cây con.
6. Bộ phận dùng, thu hái, chế biến
Rễ (Radix Morindae) đã phơi hay sấy khô, có thể đào lấy rễ quanh năm, rửa sạch đất cát, loại bỏ rễ con, phơi khô tới khi không dính tay, đập nhẹ cho bẹp, phơi hoặc sấy nhẹ đến khô. Rễ hình trụ tròn hay hơi dẹt, cong queo, dài 3 cm trở lên, đường kính 0,3 cm trở lên. Mặt ngoài màu nâu xám hoặc nâu nhạt, có nhiều vân dọc và ngang. Nhiều chỗ nứt ngang sâu tới lõi gỗ. Mặt cắt có phần thịt dày màu tím xám hoặc màu hồng nhạt, giữa là lõi gỗ nhỏ màu vàng nâu. Vị ngọt và hơi chát.
Ba kích nhục: Lấy Ba kích sạch đồ kỹ hoặc luộc qua, khi còn đang nóng rút bỏ lõi gỗ, cắt đoạn, phơi khô.
Diêm ba kích nhục: Lấy Ba kích sạch trộn với nước muối ăn cho đều, đồ kỹ, rút lõi gỗ, cắt đoạn phơi khô. Cứ 100 kg Ba kích dùng 2 kg muối và lượng nước vừa đủ hòa tan, lọc trong.
Chích ba kích: Lấy Cam thảo giã dập, sắc lấy nước, bỏ bã. Cho Ba kích sạch vào, đun đến khi mềm xốp có thể rút lõi gỗ, lấy ra rút lõi khi còn nóng, cắt đoạn, phơi khô. Cứ 100 kg Ba kích dùng 6 kg Cam thảo.
7. Thành phần hoá học
Rễ Ba kích có iridoid glycosid (monotropein, asperulosid, asperulosid tetraacetat) và anthraquinon (physcion, rubiadin). Polysaccharid (mono và oligosaccharid) cũng là những thành phần quan trọng.
Ngoài ra còn có các acid hữu cơ và một ít tinh dầu.
8. Tác dụng dược lý - Công dụng
Theo y học cổ truyền, Ba kích được dùng chữa liệt dương, di tinh, tử cung lạnh, phụ nữ khó mang thai, kinh nguyệt không đều, bụng dưới đau lạnh, phong thấp tê đau, gân xương yếu.
Y học cổ truyền Trung hoa dùng Ba kích để điều trị loãng xương.