Nhảy đến nội dung

Bạc hà

1. Tổng quan

Tên khác: Nạt nặm, Bạc hà nam, Bạc hà Á, Chạ phiăc chom (Tày)

Tên khoa học: Mentha arvensis L.

Họ: Lamiaceae (họ Hoa môi).

2. Mô tả

Cây bạc hà là một loại cỏ sống lâu năm,

Thân cây cao từ 10 đến 60-70 cm, có thể cao tới 1 m, thân vuông mọc đứng hay hơi bò, có khi phân nhánh, trên thân có nhiều lông.

Lá mọc đối, cuống dài từ 2 đến 10 mm, phiến lá hình trứng hay thon dài, rộng 2-3 cm, dài 3-7 cm, mép có răng cưa, mặt trên và mặt dưới đều có lông che chở và lông bài tiết.

Hoa mọc vòng ở kẽ lá, cánh hoa hình môi màu tím hay hồng nhạt có khi màu trắng.

Ít khi thấy có quả và hạt.

3. Đặc điểm giải phẫu (vi học)

Lá: Biểu bì trên và dưới mang lông che chở nhiều hay rất hiếm tùy theo chủng hay thứ, thường tập trung ở gần giữa. Lông che chở đa bào một dãy, thường có từ 2 đến 6 tế bào, bề mặt lấm tấm, có đoạn bị thắt hẹp lại. Lông tiết rất nhiều, có trên cả hai mặt lá, chứa đầy tinh dầu; có hai loại: lông tiết đầu đơn bào, hình bầu dục, chân ngắn; và loại lông tiết đa bào, đầu to tròn có từ 4 đến 8 tế bào chứa tinh dầu, chân một tế bào, thường nằm trong vùng lõm của biểu bì trên và dưới. Hai đám mô dày nằm sát biểu bì trên và dưới ở phần gân chính. Bó libe-gỗ hình cung, nằm giữa phần mô mềm của gân chính. Phía dưới bỏ libe-gỗ có cung mô dày bao bọc cung libe. Phần phiến lá có mô mềm giậu ờ sát biểu bì trên, gồm một hàng tế bào hình chữ nhật xếp sát nhau, bên dưới là mô mềm khuyết.

Thân: Vi phẫu thân có thiết diện vuông với bốn góc lồi nhiều hoặc ít. Biểu bì mang lông che chở và lông tiết như ở lá. Bên dưới biểu bì là mô dày, thường tập trung nhiều ờ bốn góc lồi, mô mềm vỏ thường là mô mềm khuyết. Ờ thân già thường có các đám sợi trụ bì tập trung ở nơi ứng với bốn góc lồi. Mạch gỗ cấp 2, bó gỗ cấp 1 thường tập trung tại bốn góc lồi làm cho cấu tạo thân ở bốn góc khác ở cạnh. Mô mềm tủy có thể hóa mô cứng một phần ở vùng sát với gồ cấp 1.

4. Đặc điểm bột dược liệu

Bột có màu xanh lục nhạt, mùi thơm mát. Soi kính hiển vi thấy: Màng biểu bì có màng hơi ngoan ngoèo mang lỗ khí kiểu trực bào. Một số chúng có nhiều lông che chở, một số có rất ít. Lông che chở gồm các tế bào dài gần bằng nhau, bề mặt lấm tấm, hay có đoạn thất ở khoảng giữa. Lông tiết có nhiều, chân ngắn, đầu một hoặc nhiều tế bào (thường là hai, bốn, tám tế bào) chứa tinh dầu màu vàng nhạt, chiết quang, thường gặp ở dạng tròn, không thấy chân. Màng mô mềm của lá và thân, mảnh mạch vạch, mạch xoắn; đám sợi, tế bào mô cứng của thân già. Nếu là bột lấy từ cành có hoa thì ngoài các thành phần nêu trên còn có mảnh cánh hoa, đài hoa, chỉ nhị, hạt phấn hoa…

5. Phân bố, sinh học và sinh thái

Cây bạc hà mọc hoang và đuợc trồng tại nhiều vùng ở nước ta, mọc hoang cả ở miền đồng bằng và ở miền núi như Sapa (Lào Cai), Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Ba Vì (Hà Tây), Bắc Cạn, Sơn La.

Muốn trồng bạc hà tốt nhất cần chọn nơi đất sét có nhiều mùn, sau đến loại đất cát. Đất cần làm cỏ bón phân kỹ trước, làm luống rộng, trên mỗi luống trồng 2-3 hàng. Có hai mùa trồng bạc hà vào mùa xuân và thu. Mùa xuân vào các tháng 2-3, mùa thu vào tháng 8-9. Tốt nhất là trồng vào mùa xuân cho năng suất cao nhất. Trồng bằng hạt hay bằng mẩu thân, hoặc thân ngầm. Có thể trồng bằng hạt nhưng rất ít áp dụng. Sau 3-4 tháng có thể thu hoạch đợt đầu, thường một năm có thể cắt cây 3 hay 4 lần, lần thứ nhất vào tháng 6-7, sau đó cần xới và bón phân, sau 2 tháng (vào cuối tháng 8 hay tháng 9) lại hái lần nữa vào lúc cây đang ra hoa nhiều. Nếu hái 4 lần thì có thể hái lứa đầu vào tháng 6-7, lứa thứ hai vào tháng 8-9, lứa thú ba vào tháng 10-11, lứa thứ 4: 2-3. Hái về, cần bó lại từng bó, phơi chỗ mát cho khô hoặc nếu cất tinh dầu thì cần cất ngay hay để hơi héo mà cất.

Hiệu suất trung bình là 25 đến 40 tấn cây tươi mỗi năm, mỗi hecta, cất được từ 50 đến 100 lít tinh đầu. Theo tài liệu của các nưóc thì hiệu suất 1 hecta trung bình hằng năm cũng là 10-12 tấn cây tươi, có những năm hoặc những nơi chăm sóc tốt có thể tới 20 đến 35-40 tấn, đặc biệt có nơi hiệu suất đạt tới 70 tấn 1 hecta, cất được từ 20-150 lít tinh dầu.

Nếu trồng mãi trên một diện tích thì hiệu suấl năm đầu và năm thứ hai cao, năm thứ ba giảm xuống chỉ còn chừng 1/3. Với loài bạc hà Liên Xô cũ mà chúng tôi di thực vào, mùa trồng thích hợp nhất ở đồng bằng là mùa thu (tháng 8-9), thu hoạch lứa đầu vào tháng 10-11, lứa hai vào tháng 2-3, tinh dầu thơm dịu hơn bạc hà của ta, nhưng năng suất cây thấp hơn.

6. Bộ phận dùng, thu hái, chế biến

Bộ phận trên mặt đất (Herba Menthae), tinh dầu (Oleum Menthae), menthol tách từ tinh dầu bạc hà. Thu hoạch khi cây vừa ra hoa, lúc trời khô ráo, cắt lấy dược liệu, loại bỏ tạp chất, phơi trong bóng râm hoặc sấy nhẹ ở 30-40 oC đến khô. Nếu chiết lấy tinh dầu thì dùng lá tươi hoặc hơi héo.

7. Thành phần hoá học

Tinh dầu (menthol 65‑85%, menthon, iso-menthon, piperitenon oxide, carvon…), flavonoid (acacetin, eriocitrin, rutin, linarin…) và acid phenolic (acid rosmarinic, lithospermic).

8. Tác dụng dược lý - Công dụng

Bạc hà được dùng chữa cảm sốt, ngạt mũi, xoa bóp nơi sưng đau, sát trùng, chữa nôn, thông mật trợ giúp tiêu hóa. Menthol chữa viêm mũi, ngạt mũi (ống hít).

Ghi chú: Không dùng cho trẻ sơ sinh vì menthol có thể ức chế hô hấp, gây ngạt thở.

Ngoài loài bạc hà nam kể trên, trên thế giới và ngay ở nước ta còn dùng loại bạc hà châu Âu – Mentha x piperita L. Loài này mọc và được trồng chủ yếu ở các nước châu Âu, châu Mỹ. Bản thân loài này cũng không phải là một loài  mà do lai nhiều loài khác nhau, giá trị cũng thay đổi tuỳ theo nơi mọc.