1. Tổng quan
Tên khác: Bách chiểu, Chỉ hương, Cửu lý trúc căn, Đỗ nhược, Hòe hoàn, Lan hòe, Linh chỉ, Ly hiêu, Phương hương, Vân nam ngưu phòng phong, Xuyên bạch chỉ, Hương bạch chỉ, Xuyên bạch chỉ.
Tên khoa học: Angelica dahurica (Hoffm.) Benth. & Hook.f. ex Franch. & Sav..
Họ: Apiaceae (họ Hoa tán).
2. Mô tả
Dạng cây thân thảo, sống lâu năm, cao 1-1,5 m.
Thân rỗng, đường kính có thể đến 2-3 cm. Mặt ngoài mầu tím hồng, phía dưới nhẵn, phía trên gần cụm hoa có lông ngắn.
Rễ phình thành củ dài, mọc thẳng, đôi khi phân nhánh.
Lá có cuống dài, phát triển thành bẹ rộng, ôm lấy thân, phiến lá xẻ 2-3 lần, hình lông chim. Thùy hình trứng dài 2-6 cm, rộng 1-3 cm, mép có răng cưa, 2 mặt lá không lông trừ đường gân ở mặt trên lá có lông tơ.
Cụm hoa là 1 tán kép, mọc ở đầu cành hoặc kẽ lá, có cuống chung dài 4-8 cm, cuống tán dài 1 cm. Hoa mầu trắng, mẫu 5. Quả bế đôi dẹt, hình bầu dục hoặc hơi tròn, dài khoảng 6 mm.
Rễ, thân, lá, có tinh dầu thơm.
Mùa hoa quả: tháng 5-7.
3. Đặc điểm giải phẫu (vi học)
Lớp bần gồm nhiều hàng tế bào hình chữ nhật có vách dày. Mô mềm vỏ gồm những tế bào thành mỏng, hình nhiều cạnh, có những khuyết to, nhiều ống tiết to nằm rải rác trong mô mềm và cả trong vùng libe. Libe-gỗ cấp 2 bị tia ruột chia cắt thành từng mảng hình quạt. Tầng sinh libe-gỗ không liên tục. Mô mềm gỗ hóa gỗ rất ít.
4. Đặc điểm bột dược liệu
Bộ rễ: Bột có màu trắng mịn hay trắng ngà, mùi thơm hắc, vị đắng. Soi kính hiển vi thấy: Mảnh bần màu vàng nâu, vách dày. Mảnh mô mềm chứa nhiều hạt tinh bột, hạt tinh bột có hình trứng hay hình nhiều cạnh đứng riêng rẽ hay dính vào nhau. Mảnh mạch mạng, mạch vạch, mạch điểm. Khối màu vàng, vàng sậm.
5. Phân bố, sinh học và sinh thái
Cây ưa mọc ở bìa rừng có độ cao khoảng 500 – 1000 m so với mực nước biển hoặc các vùng thung lũng, đồng cỏ và ven bờ suối.
Trên thế giới: Thảo dược này được tìm thấy nhiều ở Nhật Bản, Triều Tiên, các tỉnh nằm phía đông bắc Trung Quốc ( Cát Lâm, Liêu Ninh…), Đông Siberi.
Ở Việt Nam: Cây sinh trưởng tốt nhất ở khu vực miền Bắc, bao gồm các tỉnh như Hà Nội, Ninh Bình, Hưng Yên, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Lào Cai….
6. Bộ phận dùng, thu hái, chế biến
Rễ Bạch chỉ (Radix Angelicae dahuricae). Thu hoạch vào mùa hạ, thu khi lá bắt đầu úa vàng. Khi trời khô ráo, đào lấy rễ củ (tránh làm sây sát và gẫy). Rửa nhanh, cắt bỏ rễ con, phân loại riêng các rễ củ có kích thước như nhau. Phơi nắng hay sấy ở 40-50 oC đến khô.
Dược liệu có hình dạng to ở gốc thân, thuôn dần về cuối, thẳng hay cong, dài 10-20 cm, đường kính phần to có thể đến 3 cm. Mặt ngoài củ có màu vàng nâu nhạt, còn dấu vết của rễ con đã cắt bỏ, có nhiều rãnh nhăn dọc và nhiều lỗ vỏ lồi lên thành những vết sần ngang. Mặt cắt ngang có màu trắng hay trắng ngà, tầng sinh libe-gỗ rõ rệt. Thể chất cứng, vết bẻ lởm chởm, nhiều bột. Mùi thơm hắc, vị cay hơi đắng.
7. Thành phần hoá học
Rễ củ có coumarin (imperatorin, isoimperatorin, scopoletin, byak-angelicin…) và tinh dầu.
8. Tác dụng dược lý - Công dụng
Bạch chỉ được dùng chữacảm mạo phong hàn, nhức đầu vùng trán, ngạt mũi, chảy nước mũi do viêm xoang, đau răng, mụn nhọt sưng tấy, vết thương có mủ.
Ghi chú: Liều cao có thể gây co giật, tê liệt.
Ở Việt nam còn có vị Bạch chỉ nam (rễ của cây Mác rừng – Milletia pulchra Kurz., Fabaceae)