Nhảy đến nội dung

cà gai leo

 

1. Tổng quan

Tên khác: Cà gai dây, Cà quýnh, Cà quạnh, Gai cườm.

Tên khoa học: Solanum procumbens Lour.

Họ: Solanaceae (Cà).

2. Mô tả

Cây nhỏ leo, sống nhiều năm, dài khoảng 1m hay hơn. Thân hóa gỗ ở gốc, nhẵn, phân cành nhiều; cành non tỏa rộng, phủ lông hình sao và rất nhiều gai cong màu vàng.

Lá nguyên có hình trứng hoặc thuôn. Gốc lá hình rìu hoặc hơi tròn, mép nguyên hoặc hơi lượn và có khía thùy. Phiến lá dài  từ 2 cm đến 4 cm, rộng 1,2 cm đến 2,0 cm; cuống dài 0,3 cm đến 0,8 cm, mặt trên sẫm, mặt dưới nhạt phủ đầy lông tơ màu trắng; hai mặt đều có gai ờ gân chính, nhất là  mặt trên; cuống lá cũng có gai.

Hoa màu trắng hoặc hơi phớt tím mọc thành xim 2 – 5 hoa ở kẽ lá, ít khi 7 – 9; đài có lông, xẻ thành 4 thùy hình trái xoan nhọn; nhị màu vàng, chỉ nhị phình ở gốc.

Quả mọng, hình cầu nhẵn, có cuống dài, màu vàng, khi chín màu đỏ, đường kính 5 – 7 mm; hạt hình thận màu vàng.

Mùa hoa: tháng 4 - 6; mùa quả: tháng 7 - 9.

3. Đặc điểm bột dược liệu

Bột toàn thân trên mặt đất có màu xám, mùi thơm đặc trưng, vị hơi đắng. Quan sát dưới kính hiển vi thấy: Mảnh biểu bì phiến lá mang lông che chở và lỗ khí, có nhiều mảnh mạch xoắn, nhiều  lông che chở hình sao, lông che chở đa bào một dãy, nhiều lông đơn bào và lông tiết; sợi thành dày đứng riêng lẻ, mảnh biểu bì thân, mảnh mô mềm có tinh thể calci oxalat hình cầu gai nằm ngoài hoặc trong tế bào.

4. Phân bố, sinh học và sinh thái

Cà gai leo phân bố chủ yếu ở một vài nước nhiệt đới Châu Á. Tại Việt Nam, vùng phân bố cà gai leo tương đối phong phú, trải dọc khắp các tỉnh ven biển từ Hải Phòng đến Bình Thuận. Đặc biệt, tổng sản lượng của các tỉnh từ Thanh Hóa trở vào có thể đạt vài chục tấn nguyên liệu mỗi năm.

Cà gai leo là cây ưa ẩm, ưa sáng và có thể hơi chịu bóng, thường mọc tập trung nhiều cá thể, lẫn trong các lùm bụi thưa quanh làng, bãi hoang, kể cả các bụi tre gai. Cây mọc ở chỗ nhiều ánh sáng, sinh trưởng phát triển tốt, ra nhiều hoa quả. Cà gai leo có khả năng tái sinh từ hạt hoặc từ các phần thân và gốc còn lại sau khi chặt. Ngoài ra, từ các đoạn thân và cành trồng vào mùa xuân cũng có thể mọc thành cây mới.

5. Bộ phận dùng, thu hái, chế biến

Toàn thân trên mặt đất (Herba Solani procumbensis).

6. Thành phần hoá học

Saponin steroid alkaloid (solasodin, solasolinon), flavonoid.

7. Tác dụng dược lý - Công dụng

Chủ trị: Phong thấp, đau nhức các đầu gân xương, ho khan, ho gà, dị ứng, xơ gan, viêm nhiễm quanh răng.