Nhảy đến nội dung

cam thảo nam

 

1. Tổng quan

Tên khác: Cam thảo đất, Dã cam thảo, Thổ cam thảo

Tên khoa học: Scoparia dulcis L..

Họ: Plantaginaceae (họ Mã đề).

2. Mô tả

Cây cao khoảng 0,4 m đến 0,7 m, mọc thẳng đứng, thân già hóa gỗ ở gốc, phần thân non có nhiều khía dọc.

Lá mọc đối hoặc mọc vòng ba, dài 3 cm đến 5 cm, rộng 1,5 cm đến 3,0 cm, phiến nguyên, hẹp dần ở gốc, mép có răng cưa thưa ở nửa cuối, gân lá hình lông chim.

Hoa nhỏ, cánh hoa màu trắng, mọc riêng rẽ hay thành từng đòi ở kẽ lá. Cuống quà dài 0,8 cm đến 1,5 cm.

Quả nang nhỏ đựng trong đài tồn tại, màu nâu đen.

Đài đồng trưởng và quả bên trong có dạng gần như tròn với núm nhụy thò ra ở đinh quả, dài 1 mm đến 2 mm.

Quả luôn tồn tại ở kẽ lá làm thành điểm đặc sắc của cây.

Rễ chính nhỏ, màu nâu đỏ nhạt, với nhiều rễ phụ. Toàn cây có mùi thơm nhẹ, vị đắng sau hơi ngọt.

Mùa ra hoa : Mùa hạ.

3. Đặc điểm giải phẫu (vi học)

Vi phẫu lá: Phần gân giữa: Ngoài cùng là biểu bì có cutin răng cưa, kế đến là lớp mô dày, mô mềm gồm các tế bào thành mỏng. Bó libe-gỗ chính có hình cung với libe ở dưới và gỗ gồm một số mạch xếp thành chuỗi ở phía trên.

Phần phiến lá: Phía dưới biểu bì trên là mô mềm giậu; kế đến là mô mềm khuyết và biểu bì dưới. Lông tiết gồm hai loại: Chân đơn bào, đầu 4 đến 8 có khi 10 đến 16 tế bào thường nằm trong phần lõm của phiến lá; loại chân đa bào gồm 2 đến 5 tế bào, đầu đơn bào thường có ở gân lá.

Thân: Thiết diện đa giác hoặc hơi tròn có 4 đến 6 u lồi. Biểu bì có cutin răng cưa và mang nhiều lông tiết hai loại như ở lá. Dưới biểu bì là mô dày tròn; ở chỗ ứng với u lồi, dưới biểu bì còn có thể có đám mô cứng rồi mới đến mô dày. Kế đến là mô mềm vỏ có những khuyết rải rác. Libe cấp 2 gồm các tế bào hình chữ nhật nằm theo hướng tiếp tuyến, thành khá dày, phía ngoài libe có nhiều đám sợi ở vùng trụ bì. Gỗ cấp 2 thành vòng liên tục, bên trong là mô mềm tủy có tế bào chưa hóa gỗ (thành té bào còn cellulose) hay hóa thành mô cứng riêng lẻ từng tế bào hay tụ thành từng đám tế bào thành khá dày, có nhiều tế bào thấy rõ vách ngăn ngang có lỗ rây lấm tấm.

Rễ: Ngoài cùng là lớp bần khá dày. Kế đến là mô mềm vỏ với những lỗ khuyết khá to xếp đều đặn. Libe cấp 2 xếp thành vòng liên tục với các tế bào nhỏ hơn tế bào mô mềm. Gỗ cấp 2 chiếm tâm với nhiều mạch to hơn tế bào mô mềm gỗ gấp 3 đến 4 lần, mô mềm gỗ với các tia gỗ khá rõ.

4. Đặc điểm bột dược liệu

Bột  toàn thân có màu vàng lục, ít xơ, mùi thơm nhẹ, vị hơi ngọt.

Soi kính hiển vi thấy: Mảnh biểu bì gồm các tế bào thành ngoằn ngoèo, mang lỗ khí kiểu hỗn bào. Lông tiết chân đơn bào, đầu 4, 6 hoặc 8, 10 (có khi đến 16 đến 20) tế bào có dạng giống hoa mai, chứa chất tiết màu vàng nâu. Lông tiết chân dài gồm 4 đến 5 tế bào, đầu đơn bào chứa chất tiết màu hơi xanh. Mảnh mạch vạch, mạch xoắn, mạch điểm, mạch mạng. Mảnh tế bào mô cứng hoặc tế bào mô cứng riêng lẻ thành dày có ống trao đổi; sợi; mảnh mô mềm; hạt tinh bột; mảnh bần; hạt phấn hoa hình cầu, không có gai, màu vàng nhạt (nếu mẫu dược liệu có hoa).

5. Phân bố, sinh học và sinh thái

Cây phân bố ở  miền Nam Trung Quốc, đặc biệt vùng Quảng Tây, nhân dân cũng dùng cây này với tên dã cam thảo. Tại Ấn Độ, Malaysia, Thái Lan, châu Mỹ đều có

Ở Việt Nam, cây mọc hoang khắp nơi. Có thể thu hái quanh năm, có khi dùng tươi, nhưng phần nhiều dùng khô: Đào toàn cây cả rễ, rửa sạch đất cát, phơi hay sấy khô là được.

6. Bộ phận dùng, thu hái, chế biến

Toàn cây kể cả rễ (Herba Scopariae) thu hái vào mùa xuân hè, rửa sạch, thái nhỏ dùng tươi hoặc phơi, sấy khô. Khi dùng cắt ngắn. Dược liệu có vị ngọt.

7. Thành phần hoá học

Cây chứa diterpenoid (acid scoparic, scoparidol..), triterpen (acid betulinic), alcaloid (các dẫn chất benzoxazinoid), flavonoid (hispidulin, sinensetin, nobiletin, apigenin, luteolin….)

8. Tác dụng dược lý - Công dụng

Cam thảo nam được dùng để chữa sốt, say sắn, giải độc cơ thể, chữa ho, viêm họng, ban sởi, kinh nguyệt quá nhiều. Nước hãm lá Cam thảo nam dùng làm thuốc súc miệng và ngậm chữa đau răng.