1. Tổng quan
Tên khác: Câu kỷ, Củ khởi, Rau khởi, Khủ khởi, Khởi tử, Địa cốt bì, Phặc khau khỉ (Tày)
Tên khoa học: Lycium barbarum L. và Lycium chinense Mill.,
Họ: Cà (Solanaceae).
2. Mô tả
Cây nhỡ cao đến 1-2 m, thân có gai, cành cong và ngả xuống. Lá mọc so le hay vòng 3-5, phiến hình xoan 2-6 cm. Hoa cô độc hay nhóm 3-5 ở nách lá, tràng màu tía có ống ngắn hơn cánh hoa. Quả mọng hình trứng dài 2-3 cm màu vàng cam hay đỏ sẫm. Hạt nhiều nhỏ màu trắng, hình thận dẹt.
3. Đặc điểm giải phẫu (vi học)
Vỏ rễ: Lớp bần có 4 đến 10 hàng tế bào hoặc hơn. Tế bào mô mềm vỏ chứa tinh thể calci oxalat dạng cát thường tụ thành đám với nhiều hạt tinh bột. Đa số các bó tia libe phân cách bởi 1 hàng tế bào rộng; sợi đơn độc và rải rác, hoặc có 2 hay nhiều sợi hợp thành đám.
4. Đặc điểm bột dược liệu
Quả: Bột màu vàng cam. Tế bào biểu bì của vỏ quả ngoài hình đa giác hoặc hình đa giác kéo dài khi nhìn trên bề mặt, thành tế bào mặt ngoài có các vạch cutin xếp song song, thành tế bào trong thẳng hoặc lượn sóng. Tế bào mô mềm của vỏ quả trong gần hình đa giác, thành mỏng, khoang chứa các hạt màu nâu đỏ hoặc đỏ cam. Tế bào đá của vỏ hạt hình đa giác không đều khi nhìn trên bề mặt, thành dày, nhấp nhô, có vạch rõ.
5. Bộ phận dùng, thu hái và chế biến
Quả (Fructus Lycii) thường gọi là Câu kỷ tử. Thu hoạch vào mùa hè và mùa thu khi quả đã chuyển màu đỏ vàng. Sau khi phơi âm can để vỏ ngoài nhăn lại, lấy ra phơi nắng hoặc sấy nhẹ đến khi vỏ ngoài quả khô và cứng, thịt quả mềm. Loại bỏ cuống.
Vỏ rễ (Cortex Radicis Lycii) thường gọi là Địa cốt bì. Thu hoạch vào đầu xuân và cuối thu, đào lấy rễ, rửa sạch, bóc lấy vỏ, phơi hoặc sấy khô, hoặc rửa sạch rễ, cắt thành từng đoạn 6 cm đến 12 cm, dùng dao rạch đến gỗ, cho vào đồ vỏ rễ bong ra, lấy vỏ đem phơi hoặc sấy khô.
6. Thành phần hóa học
Quả chứa nhiều carotenoid (zeaxanthin dipalmitate: chiếm hàm lượng cao, tốt cho mắt), betalain, polysaccharide, acid amin, vitamin và khoáng chất
Vỏ rễ chứa nhiều alkaloid (kukoamin A & B: Có tác dụng hạ huyết áp, ức chế ACE, lyciumin), coumarin, sesquiterpenoid (lyciumide), acid hữu cơ...
7. Công dụng và cách dùng
Quả: Tư bổ can, thận, ích tinh, sáng mắt. Chủ trị: Hư lao tính suy biểu hiện đau thắt lưng, đầu gối, chóng mặt, ù tai, nội nhiệt gây tiểu đường, huyết hư, mờ mắt.
Vỏ rễ: Lương huyết, trừ cốt chưng, thanh phế, giáng hoả. Chủ trị: Âm hư, sốt về chiều, cốt chưng, đạo hãn, phế nhiệt, ho khạc máu, nội nhiệt tiêu khát.