Nhảy đến nội dung

Cẩu tích

 

1. Tổng quan

Tên khác:  Lông cu ly, Cù liền, Lông khỉ, Kim mao, Co cút pá (Thái), Cút báng (Tày), Đạng pàm (Kho), Nhải cút viằng (Dao)

Tên khoa học: Cibotium barometz (L.) J. Sm..

Họ: Cibotiaceae (họ Dương xỉ)

2. Mô tả

Thân rễ mọc đứng, thường ngắn, to, phủ lông mềm màu vàng nâu. Khi cắt hết lá còn lại những gốc cuống thì thân rễ lúc này giống con cu li.

Lá kép dài 1-2 m, chia nhiều lá chét xếp dạng lông chim, các lá chét này chia thành nhiều lá chét bậc hai xếp sít nhau, lá chét bậc hai có gốc bằng nhau, đầu thon mảnh, lại chia thành nhiều đoạn thuôn hẹp, mặt trên màu lục thẫm, mặt dưới nhạt hơn; cuống lá kép rất to và cứng, màu nâu, cũng có lông mềm.

Cơ quan sinh sản là những túi bao tử có áo màu nâu, mọc ở mặt dưới lá, xếp đều đặn ở hai bên gân giữa, trong đựng nhiều bào tử, bao tử hình tam giác hay hơi tròn, sần sùi, màu sang hay đen nhạt, có cánh.

Mùa sinh sản: tháng 10-1

3. Đặc điểm giải phẫu (vi học)

Vi phẫu Thân rễ: Biểu bì gồm một đến ba hàng tế bào, bên ngoài phủ lớp cutin màu vàng, đôi khi có lông che chở màu vàng còn sót lại; bên trong biểu bì có trên 10 hàng tế bào mô cứng màu vàng nâu, lỗ rõ. Gỗ xếp thành vòng, gồm các quản bào, cả ngoài và trong đều có libe và tế bào hạ bì. vỏ và ruột gồm các tế bào mô mềm chứa các hạt tinh bột (đã bị hồ hoá đối với dược liệu đã chế biến), đôi khi có chứa chất màu nâu vàng.

4. Đặc điểm bột dược liệu

Bột thân rễ: Mảnh biểu bì màu vàng, đôi khi có ít sợi lông màu nâu hoặc vàng còn sót lại. Mảnh mô mềm gồm các tế bào hình nhiều cạnh hơi dài, rải rác có chứa các hạt tinh bột đơn lẻ hay tụ lại thành đám 2 đến 3 hạt (ở dược liệu chưa chế biến) hoặc các khối tinh bột đã bị hồ hoá (ở dược liệu đã qua chế biến). Các hạt tinh bột hình đĩa, hình trứng, đường kính 5 – 49 µm, đôi khi thấy rốn hạt hình vạch. Mạch gỗ hình thang. Các quản bào có mạng hình thang, đường kính 22 – 73 pm. Tế bào đá màu nâu vàng đến nâu đỏ, hình gần chữ nhật, thành dày lỗ trao đổi rõ. Tế bào nội bì màu nâu vàng hình gần vuông, hình chữ nhật hoặc hình đa giác, thành hơi dày và hơi nhăn.

5. Phân bố, sinh học và sinh thái

Cẩu tích mọc hoang khấp nơi ở miền rừng núi Việt Nam, Lào, Campuchia, Philipin, Malaysia và Indo. Miền nam Trung Quốc (Quảng Đông, Quảng Tây, Phúc Kiến, Vân Nam) cũng có.

6. Bộ phận dùng, thu hái, chế biến

Thân rễ (Rhizoma Cibotii) đã chế biến và làm khô của cây Cẩu tích (Culi).  Đoạn thân rễ, mặt ngoài rất gồ ghề, khúc khuỷu, có những chỗ lồi lên thành mấu, màu nâu hoặc nâu hơi hồng, đường kính 2-5 cm, dài 4-10 cm, rất cứng, khó cắt, khó bẻ gẫy; hay những phiến mỏng hình dạng thay đổi, mặt cắt ngang nhẵn, màu nâu hồng hay nâu nhạt, có vân màu nhạt.

Thu hái vào mùa hạ hay đông, cạo hay đốt hết lông, rửa sạch, đồ mềm, thái phiến và phơi khô.

7. Thành phần hoá học

Thân rễ Cẩu tích có sterol (β-sitosterol, daucosterol), acid cafeic, acid protocatechuic, tinh bột

8. Tác dụng dược lý - Công dụng

Bổ can thận, mạnh gân xương, trừ phong thấp. Chủ trị: Phong hàn thấp, tay chân nhức mỏi, đau lưng, đau dây thần kinh tọa, đi tiểu nhiều.

Ghi chú: Lông vàng phủ thân rễ (kim mao, lông culi) được dùng để cầm máu do tác dụng cơ học (kinh nghiệm dân gian).