Nhảy đến nội dung
 

tdtu

1. Tổng quan

Tên khác: Trắc bách diệp, Bá tử, Co tòng péc (Thái)

Tên nước ngoài: Thuja, Oriental arbor-vitae, Common chinese arbor-vitae (Anh), Cédratier blanc (Pháp)

Tên khoa học: Platycladus orientalis (L.) Franco. Synonym: Biota orientalis (L.) Endl.

Họ: Cupressaceae (họ Hoàng đàn)

2. Mô tả

Dạng sống tdtucây gỗ nhỏ, cao 1,5 m-5 m, phân nhánh từ gốc, nhánh nhiều, màu nâu đỏ; các cành non có các vảy lá ôm sát thân đều nằm trên một mặt phẳng. Lá đơn, mọc đối thành 4 hàng lợp lên nhau ôm sát vào thân, hình vảy dài 2-2,5 mm, màu xanh bóng ở cành già nhạt hơn ở cành non. Hoa đơn tính cùng gốc.

Thường các phân nhánh gần cuối có 1-2 nón cái ở các cành gốc và nhiều nón đực ở các cành ngọn, lá bắc là 4 vảy dạng lá ở gốc mỗi nón. Nón cái hình nón tròn mọc đầu cành ngắn, gồm 6-8 vảy dày màu vàng xanh bên ngoài, có 6 vảy dạng khô xác màu vàng nâu bên trong xếp trên 1 vòng và 2 vảy to ở trung tâm; vảy bên ngoài mặt trong phủ phấn trắng, hình xoan, dài 1,5-2 mm, rộng 0,6-1 mm.

Nón đực hình đuôi sóc mọc ở đầu cành ngắn gồm 8-10 vảy hình xoan tròn. Vảy màu trắng hoặc vàng xanh, dài gần 1 mm, mặt trong chứa các túi phấn hình cầu màu xanh bao quanh một trục hình trụ chứa nhiều hạt phấn màu xanh, hình trứng. Hạt hình trứng nhọn, màu vàng đến nâu nhạt, dài 3-8 mm, nhẵn bóng.

3. Đặc điểm giải phẫu (vi học): Thân Vi phẫu tiết diện tròn. Bần gồm 2-4 lớp tế bào hình chữ nhật, vách uốn lượn. Mô mềm vỏ rất ít gồm 3-4 lớp tế bào hình chữ nhật, vách uốn lượn, xếp xuyên tâm. Libe 1 gồm một vài cụm tế bào rất nhỏ. Libe 2 gồm nhiều lớp tế bào bị ép dẹp, vách nhăn nheo, nhiều tế bào hình bầu dục hóa mô cứng, vách dày, xếp thành các vòng không liên tục. Vùng gỗ 2 chiếm 2/3 vi phẫu, gỗ đồng mộc, mạch gỗ hình chữ nhật hoặc đa giác xếp xuyên tâm, vách hóa mô cứng không đều. Tia tủy hẹp 1-2 dãy tế bào. Gỗ 1 không rõ. Mô mềm tủy hẹp, hóa mô cứng.

Cành non (cành mang lá) Vi phẫu gồm ở trung tâm là trụ giữa của thân mang 4 cánh (phiến lá) hình tam giác, 2 lớn, 2 nhỏ đối diện. Toàn vi phẫu được bao phủ bởi lớp biểu bì hình chữ nhật, vách ngoài hơi lồi lên, có lỗ khí. Cấu tạo của mỗi phiến lá lớn gồm dưới biểu bì là mô mềm giậu 2-3 lớp tế bào hình chữ nhật. Mô mềm khuyết ở ngay dưới mô mềm giậu gồm các tế bào bầu dục kích thước không đều. Mô cứng xếp thành 2 cụm. Ở một số vi phẫu, giữa hai cụm mô cứng có một bó libe gỗ nhỏ. Phiến lá nhỏ cấu trúc đơn giản chỉ có biểu bì và mô mềm. Vùng trung tâm là cấu tạo của trụ giữa thân, libe 1 gồm một vài cụm tế bào rất nhỏ; libe 2 gồm nhiều lớp tế bào bị ép dẹp, vách nhăn nheo, nhiều tế bào hình bầu dục hóa mô cứng, vách dày, xếp thành các vòng không liên tục; vùng gỗ 2 chiếm 2/3 vùng trụ giữa, gỗ đồng mộc, mạch gỗ hình chữ nhật hoặc đa giác xếp xuyên tâm, vách hóa mô cứng không đều; tia tủy hẹp 1-2 dãy tế bào; gỗ 1 không rõ. Mô mềm tủy hẹp, hóa mô cứng .

4. Đặc điểm bột dược liệu:

- Bột cành non có màu xanh nhạt, lẫn các sợi màu trắng, mùi thơm. Mảnh biểu bì trên tế bào hình chữ nhật có lỗ khí kiểu hỗn bào. Mảnh biểu bì dưới tế bào hình đa giác có lỗ khí kiểu hỗn bào. Mạch ngăn có chấm đồng tiền.

- Bột hạt mịn, màu vàng nâu. Tế bào mô cứng có hình đa giác, đa giác thuôn dài đầu nhọn hoặc đầu tù, vách dày, dài 27,5-85µm.

5. Phân bố, sinh học và sinh thái: Chi Platycladus Spach phân bố từ Bắc Mỹ tới Đông Bắc Á. Ở Việt Nam có 1 loài là trắc bá. Mùa hoa quả: tháng 3-9.

6. Bộ phận dùng: Cành non và hạt (Cacumen et Semen Platycladi orientalis)thu hái quanh năm, tốt nhất vào tháng 9-11. Quả già, giã bỏ vỏ, lấy hạt.

7. Thành phần hóa học:

Lá có chứa flavonoid (rutin, quercitrin, quercetin, amentoflavon), tinh dầu (chủ yếu α-pinen, α-cedrol, limonen, α-terpinolen, caryophyllen,…). Hạt có chất béo và saponin.

8. Tác dụng dược lý - Công dụng: Trắc bá diệp chữa ho ra máu, đại tiểu tiện ra máu, chảy máu cam, xuất huyết tử cung, rong kinh, thuốc lợi tiểu, chữa ho, sốt. Bá tử nhân dùng chữa hồi hộp, mất ngủ, hay quên, người yếu ra nhiều mồ hôi, táo bón, trẻ con khóc đêm, bụng đầy, đi ngoài phân xanh.