Nhảy đến nội dung

Chanh

1. Tổng quan

Tên khác: chanh, má điêu (Thái), chứ hở câu (H’mông), mác vo (Tày), piều sui (Dao)

Tên khoa học: Citrus aurantiifolia (Christm.) Swingle.

Họ: Rutaceae (họ Cam).

2. Mô tả

Cây gỗ nhỏ cao 3-4 m hay hơn, thân có nhiều cành; gai ở cành thẳng, dài 1 cm, còn gai ở thân dài 2-3 cm.

Lá nhỏ, hình bầu dục, nguyên, hơi dai và màu lục bóng, dài 4-6 cm, rộng 3-4 cm, có nhiều tuyến nhỏ; cuống lá có đốt, dài 1 cm, có cánh hẹp.

Hoa trắng, nhỏ ở nách lá, tập hợp thành nhóm 3-10 cái.

Quả có đường kính 3-6 cm. hơi dài, màu lục hoặc vàng khi chín; vỏ mỏng dính vào múi; cơm quả chứa nhiều nước, rất chua.

Cây ra hoa, kết quả quanh năm.

3. Phân bố, sinh học và sinh thái

Cây của vùng Đông Nam Á được trồng ở tất cả các vùng nhiệt đới của thế giới.

Ở nước ta, Chanh cũng được trồng nhiều ở đồng bằng miền Trung và miền Nam để lấy quả ăn, khi còn xanh.

    4. Bộ phận dùng, thu hái, chế biến

    Lá và quả (Folium et Fructus Citri Aurantifoliae).

    Thu hái lá quanh năm, dùng tươi hoặc phơi trong râm. Quả thu hái gần như quanh năm.

    5. Thành phần hoá học

    Lá chứa tinh dầu có thành phần:  Geranial (19,4%), limonen (16,4%), neral (11,4%), nerol (9,5%), geraniol (7,5%) và geranyl acetate (6,6%).

    Vỏ quả giữa chứa flavonoid. Tinh dầu từ vỏ quả ngoài chứa chủ yếu limonen (39,3%) and p-pinen (28,4%).

    Dịch quả chứa acid citric và acid malic, một lượng nhỏ acid succinic, malonic, lactic, oxalic, phosphoric, tartaric, adipic, isocitric, vitamin, đường, khoáng chất.

    Hạt chứa limonoid.

    6. Tác dụng dược lý - Công dụng

    Quả Chanh được dùng làm thuốc giải nhiệt, giúp ăn ngon miệng, lợi tiêu hoá, chống bệnh scorbut; còn dùng làm thuốc long đờm, trị ho, trị nôn ra mật. Có thể phối hợp với muối ăn dùng ngậm chữa ho, viêm họng.

    Lá chanh có vị the, đắng, mùi thơm, tính bình có tác dụng tán phong giải nhiệt, hoạt huyết, thông kinh lạc, tiêu đờm, tiêu thực, giảm ho, sơ tiết can khí.