Nhảy đến nội dung

Chùm ngây

1. Tổng quan

Tên khác: Chùm Ngây, Bồn Bồn, Cải Ngựa.

Tên khoa học: Moringa oleifera Lam.

Họ: Moringaceae (họ Chùm ngây).

2. Mô tả

Cây nhỏ hay cây nhỡ, cao 5-10 m. Vỏ cây dày, có khía ranh. Thân non có lông.

Lá kép 3 lần lông chim, mọc so le, dài 30-60 cm, 6-9 đôi lá chét hình trứng, mọc đối.

Cụm hoa mọc thành chùy ở kẽ lá, lá bắc hình chỉ, hoa màu trắng, hơi giống hoa họ Đậu, đài có 5 răng hình thuôn, uốn cong, tràng 5 cánh hình thìa, nhị 5, chỉ nhị có lông ở gốc, bầu thượng, 1 ô, có lông.

Quả có thiết diện tam giác, dài 25-30 cm hay hơn, mọc thõng xuống, mở làm 3 mảnh, hạt có 3 cạnh và có cánh màu trắng, dạng màng.

Mùa hoa: tháng 4-6, mùa quả: tháng 7-9

3. Đặc điểm bột dược liệu

Lá: Mảnh biểu bì phiến lá gồm những tế bào hình nhiều cạnh, mang lỗ khí và lông che chở. Mảnh biểu bì gân lá gồm tế bào hình chữ nhật, thành mỏng. Mảnh mạch xoắn, mạch mạng, mạch vòng và mạch vạch. Mảnh mô mềm. Nhiều khối nhựa màu nâu, kích thước to nhỏ không nhất định.

4. Phân bố, sinh học và sinh thái

Chùm ngây là cây ưa sáng và ưa khí hậu nhiệt đới nóng và ẩm. Sống và phát triển tốt trên nhiều loại đất. Ở Việt Nam, Chùm ngây được trồng rải rác ở các tỉnh phía nam từ Quảng Nam trở vào.

5. Bộ phận dùng, thu hái, chế biến

Rễ và toàn cây.

6. Thành phần hoá học

Rễ chứa benzyl glucosinolat (glucotropaeolin).

Lá, hoa, quả chứa nhiều carotenoid (All-E-lutein, all-E-luteoxanthin, 13-Z-lutein, all-E-zeaxanthin và 15-Z-β-caroten).

Lá chứa nhiều flavonoid (quercetin và kaempferol), omega-3 (ω-3) and omega-6 (ω-6)...

Hạt chứa dầu hạt có thành phần chính là acid oleic (18:1, 70–80 %), palmitoleic (16:1, 6–10 %), stearic (18:0, 4–10 %) và arachidic (20:0, 2–4 %).

7. Tác dụng dược lý - Công dụng

Tác dụng dược lý: Chùm ngây có tác dụng chống tăng sinh tế bào, bảo vệ gan, chống viêm, phòng chống xơ vữa động mạch, bảo vệ tế bào thần kinh cảm giác chống lại tổn thương, bảo vệ DNA trước các tác nhân oxy hoá, chống oxy hóa, bảo vệ tim mạch.

Công dụng: Lá làm rau ăn giúp tiêu hóa. Dầu hạt ăn có tác dụng làm giảm sự thụ thai. Rễ làm thuốc chữa động kinh, có tác dụng trợ tim và bổ cho hệ tuần hoàn, dùng chữa choáng ngất, suy nhược thần kinh.