Nhảy đến nội dung

cối xay

 

1. Tổng quan

Tên khác: Cây giằng xay, Quýnh ma, Kim hoa thảo, Ma bản thảo, Ma mãnh thảo, Nhĩ hương thảo, Co tó ép (Thái), Phao tôn (Tày).

Tên khoa học: Abutilon indicum (L). Sweet.,

Họ: Malvaceace (họ Bông).

2. Mô tả

Cây nhỏ, sống dai, mọc thành bụi, cao 1 – 1,5 m, có lông mềm hình sao.

Lá mọc so le, hình tim, có cuống dài, mép khía răng.

Hoa vàng, mọc riêng lẻ ở kẽ lá, cuống gấp khúc.

Quả nom giống cái cối xay, có lông. Hạt hình thận, nhẵn, màu đen nhạt.

3. Đặc điểm giải phẫu (vi học)

Vi phẫu lá: Biểu bì trên và dưới đều có lông che chở hình tỏa tròn. Phiến lá toàn bộ là mô mềm khuyết, dưới lớp biểu bì của gân lá có mô dày, ở giữa gân lá là bó libe-gỗ. Trong phần mô mềm có túi chứa chất nhày.

Vi phẫu thân: Biểu bì có nhiều lông che chở hình tòa tròn, ngoài ra còn có ít lông che chở đa bào một dãy; rải rác có lông tiết chân đa bào một dãy, đầu đơn bào. Trong mô mềm, có rải rác các tế bào chứa chất nhày. Bó libe-gỗ cấp 2 xếp thành vòng liên tục. Trong cùng là mô mềm ruột.

4. Phân bố, sinh học và sinh thái

Cây mọc hoang khắp nơi và cũng được trồng làm thuốc. Nhân giống bằng hạt vào đầu mùa mưa. Thu hái cây vào mùa hè thu, đem phơi hay sấy khô; có thể tán thành bột để dùng dần.

5. Bộ phận dùng, thu hái, chế biến

Toàn cây trên mặt đất (Herba Abutili indici), dùng tươi hay khô.

6. Thành phần hoá học

Hợp chất phenol (acid p-Hydroxybenzoic, acid gallic, acid 4-O-β-Glucosylbenzoic , acid caffeic, acid fumaric acid p-coumaric) và dẫn chất, flavonoid, triterpen (β-Amyrin and Lupeol), alkaloid (vasicin), amid (Methyl triacontanoat)..

7. Tác dụng dược lý - Công dụng

Giải biểu nhiệt, hoạt huyết, lợi tiểu. Chủ trị: Cảm mạo phong nhiệt, sốt cao, đau đầu, tai ù, điếc, sốt vàng da, tiểu tiện vàng đỏ, đái rắt, đái buốt, phù thũng, lở ngứa, dị ứng.