Nhảy đến nội dung

dâu tằm

 

1. Tổng quan

Tên khác: Tang

Tên khoa học: Morus alba L.

Họ: Moraceae (họ Dâu tằm).

2. Mô tả

Cây gỗ nhỏ cao khoảng 3 m, màu nâu hay vàng vàng.

Lá mọc so le, phiến xoan dài 5-10 cm rộng 4-8 cm, gốc hình tim hay gần như cụt, chóp tù hay hơi nhọn, có thuỳ trên các nhánh tược còn non, có răng, với răng hình tam giác, tù, khía rộng; gân gốc 3, các gân bên đạt tới chiều dài của phiến.

Hoa cùng gốc hay khác gốc, các hoa cái thành bông đuôi sóc hơi dài hơn rộng, nhưng không quá 2 cm.

Quả trắng hay hồng, thuộc dạng quả phức gồm nhiều quả bế bao trong các lá đài đồng trưởng và trở thành mọng nước.

Mùa hoa tháng 4-5, quả tháng 6-7.

3. Đặc điểm giải phẫu (vi học)

Vi phẫu lá Dâu: Biểu bì trên gồm các tá bào khá lớn, có lông chứa nang thạch, đơn bào hoặc đa bào. Biểu bì dưới tế bào nhỏ hơn, có ít lông chứa nang thạch, nhưng nhiều lỗ khí hơn. Trong gân chính, dưới biểu bì có 2 đám mô dày, đám dưới dày và  rộng hơn. Mô mềm chứa tinh thể calci oxalat hình cầu gai hay hình phiến. Giữa gân lá có 1 hoặc 2 bó libe-gỗ, xung quanh libe có sợi. Phiến lá gồm 1 hàng tế bào bó giậu, chứa diệp lục, mô khu vết gồm các tế bào hình tròn hay nhiều cạnh, chứa tinh thể calci oxalat.

4. Đặc điểm bột dược liệu

Bột lá Dâu:  Màu lục vàng hay nâu vàng. Soi kính hiển vi thấy: Biểu bì trên có những tế bào phình to chứa nang thạch đường kính 47 µm đến 77 µm. Lỗ khí ở biểu bì dưới thuộc kiểu hỗn bào, được bao quanh bởi 4 tế bào đến 6 tế bào không đều. Lông che chở đơn bào, dài 50 µm đến 230 pm. Cụm tinh thể calci oxalat đường kính 5 µm đến 16 µm; thường gặp dạng tinh thể calci oxalat hình lăng trụ.

Bột quả Dâu: Màu đỏ tía. Tế bào đá của vỏ quả tụ thành đám, màu vàng nhạt, hình đa giác không đều, thành tế bào dày. lồi lõm,khúc khuỷu, có lỗ trao đổi rõ. Tế bào vỏ quả trong chứa các tinh thể calci oxalat hình lăng trụ. Tế bào mô mềm chứa các khối chất màu đỏ tía hoặc đỏ nâu. Lông che chở đơn bào thường bị gãy, dài từ 12 pm đến 45 pm, dẹt ở phần chân tế bào. Tế bào biểu bì của vỏ quả màu nâu vàng, hình gần vuông hoặc hình đa giác khi nhìn trên bề mặt, thành lồi lên dạng hạt.

5. Phân bố, sinh học và sinh thái

Được trồng lâu đời ở nước ta.

6. Bộ phận dùng, thu hái, chế biến

Lá (Folium Mori, Tang diệp), vỏ (Cortex Mori, Tang bạch bì), cành (Herba Mori, Tang chi), quả (Fructus Mori, Tang thầm); Thu hái quanh năm. Ngoài ra, tổ bọ ngựa trên cây Dâu (Tang phiêu tiêu), tầm gửi cây Dâu (Tang ký sinh) cũng được dùng.

7. Thành phần hoá học

Các thành phần chính trong lá, vỏ thân và vỏ rễ Dâu tằm là flavonoid và stilben. Ngoài ra còn có các hợp chất phenol đơn giản, coumarin, triterpenoid, carotenoid…

Lá chứa flavonoid (morusin và dẫn xuất, kuwanon H, quercetin, quercitrin, apigenin…), stilben (resveratrol), coumarin (umbelliferon, scopoletin, scopolin), alkaloid [1-deoxynojirimycin (DNJ)].

Vỏ rễ có các prenyl flavonoid (mulberrin (0,15%), mulberrochromen (0,2%), cyclomulberrin, cyclomulberrochromen, morusin. moracin A-M), stilben (resveratrol, oxy-trans resveratrol), coumarin (scopoletin, umbelliferon).

Quả chứa đường, protein, tannin, carotenoid, anthocyanidin…

Tổ bọ ngựa có protid, chất béo, calci.

8. Tác dụng dược lý - Công dụng

Lá dùng chữa sốt cảm, ho, viêm họng, cao huyết áp. Vỏ rễ trị hen suyễn, phù, dị ứng. Cành trị phong thấp đau nhức. Quả trị viêm gan mạn tính, thiếu máu, suy nhược thần kinh. Tang ký sinh chữa đau lưng, đau mình, chân tay tê bại. Tổ bọ ngựa chữa di tinh, đi tiểu nhiều lần, liệt dương, trẻ đái dầm.

Ghi chú: Ở Việt Nam, còn có loài Morus australis Poir. cũng được gọi là dâu tằm.