
1. Tổng quan
Tên khác: Vạn niên
Tên khoa học: Hedera helix L.
Họ: Araliaceae (họ Nhân sâm).
2. Mô tả
Cây thường xanh có thân leo, có thể mọc cao từ 20–30 m . Cây leo nhờ các rễ bám trên không với các đĩa bám dạng mảng, bám rất chắc vào bề mặt tiếp xúc. Lá mọc so le, dài 50–100 mm, với cuống lá dài 15–20 mm. Lá có hai dạng: Lá non mọc trên thân leo hoặc thân bò: có 5 thùy dạng chân vịt. Lá trưởng thành mọc trên thân mang hoa (đã ra hoa, thường ở phần ngọn cây hoặc nơi có nhiều nắng): không chia thùy, hình tim. Hoa nở từ cuối mùa hè đến cuối mùa thu, kích thước nhỏ, mọc thành cụm tán tròn đường kính 3–5 cm, màu vàng xanh. Quả là loại mọng, có màu từ tím đen đến vàng cam, đường kính 6–8 mm, chín vào cuối mùa đông. Mỗi quả chứa từ 1 đến 5 hạt.
3. Bộ phận dùng
Lá của dây thường xuân (Folium Hederae helicis).
4. Thành phần hoá học
Chủ yếu chứa nhiều triterpenoid saponin: Hederacosid C – là hoạt chất chính, thường được dùng làm chất chuẩn trong chiết xuất dược liệu, α-hederin, β-hederin. Ngoài ra còn có flavonoid và hợp chất phenol.
5. Tác dụng và công dụng
Thành phần chính là saponin (đặc biệt là α-hederin và hederacoside C) có tác dụng làm loãng đờm, tăng tiết dịch niêm mạc hô hấp giúp tống xuất đờm ra ngoài; Giảm co thắt phế quản hỗ trợ điều trị ho khan, ho có đờm, viêm phế quản mãn. Chế phẩn siro từ dây thường xuân dùng để điều trị ho, viêm phế quản, long đờm, kể cả ở trẻ nhỏ.