1. Tổng quan
Tên khác: Củ thiền niền, Sơn nại.
Tên khoa học: Kaempferia galanga L.,
Họ: Zingiberaceae (họ Gừng)
2. Mô tả
Cây thảo, sống lâu năm, không có thân. Thân rễ gồm nhiều củ nhỏ, hình trứng mọc nối tiếp nhau, có nhiều vân ngang.
Lá 2-3 cái hình trứng gần tròn, xòe rộng sát mặt đất, đầu tù rồi thuôn nhọn, gốc thuôn hẹp thành một cuống ngắn rộng có rãnh, mặt trên nhẵn bóng, mặt dưới có lông mịn, mép mỏng màu đỏ, hai mặc có nhiều chấm hình tròn, phiến lá dài 8-10 cm, rộng 6-7 cm.
Cụm hoa không cuống, nằm ẩn trong bẹ lá; lá bắc hình mũi mác nhọn; hoa 6-12 cái, xếp thành hình bánh xe, màu trắng có đốm tím ở giữa; đài có 3 răng dài, hẹp và nhọn; tràng có ống, dài mang 3 thùy; nhị không có chỉ nhị, bao phần có 2 ô song song; có nhị lép, cánh môi to chẻ thành 2 thùy. Toàn cây nhất là thân rễ có mùi thơm và vị nóng.
Mùa hoa quả: tháng 5-7.
3. Đặc điểm giải phẫu (vi học)
Vi phẫu thân rễ: Lớp bần gồm 8 đến 15 hàng tế bào hình chữ nhật. Mô mềm vỏ gồm những tế bào hình nón hay nhiều cạnh, thành mỏng, chứa hạt tinh bột, rải rác có các bó libe-gỗ nhỏ. Vòng nội bì khung caspari liền với vòng trụ bì. Mô mềm ruột gồm tế bào thành hơi dày chứa nhiều hạt tinh bột và rải rác có các bó libe-gỗ. Tế bào chứa tinh dầu có cả ở mô mềm vỏ và mô mềm ruột.
4. Đặc điểm bột dược liệu
Bột thân rễ: Bột màu trắng ngà. Soi dưới kính hiển vi thấy: Nhiều hạt tinh bột hình gần như ba cạnh, hình trứng hay hình tròn, đường kính 5 pm đến 30 pm, có rốn và vân mờ. Mảnh mô mềm có tế bào chứa tinh bột, hoặc kèm theo tế bào chứa tinh dầu màu vàng. Mảnh bần màu nâu nhạt, mảnh mạch vạch.
5. Phân bố, sinh học và sinh thái
Cây mọc hoang và được trồng khắp nơi trong nước ta.
6. Bộ phận dùng, thu hái, chế biến
Thân rễ (Rhizoma Kaempferiae).
Thu hái: Từ tháng 12-3, người ta đào củ về, cần chọn những cây đã trên 2 năm, rửa sạch sạch đất cát, thái thành miếng mỏng, xông diêm sinh một ngày rồi phơi khô. Tuyệt đối không sấy than, củ sẽ đen mùi kém thơm. Có nơi chỉ đào củ về, rửa sạch phơi khô. Địa liền rất dễ bảo quản, hầu như không bị mốc mọt mặc dù điều kiện bảo quản không hơn so với các vị thuốc khác.
7. Thành phần hoá học
Thân rễ Địa liền chứa tinh dầu, để lạnh thu được phần kết tinh có thành phần chủ yếu là p-methoxyethylcinnamat chiếm 20-25%.
8. Tác dụng dược lý - Công dụng
Địa liền có vị cay, tính ấm, trị ăn uống không tiêu, ngực bụng lạnh đau, tê phù, tê thấp, nhức đầu, tiêu chảy, ho gà.