1. Tổng quan
Tên khác: Dấp cá, Lá dấp, Ngư tinh thảo, Tập thái, Rau vẹn, Phiăc hoảy (Tày), Cù mua mín (Dao)
Tên khoa học: Houttuynia cordata Thunb.
Họ: Saururaceae (họ Lá giấp).
2. Mô tả
Cây thảo, sống lâu năm,cao 20-40 cm. Thân ngầm mọc bò ngang trong đất, màu trắng hơi có lông, bén rễ ở các mấu. Thân đứng nhẵn, màu lục hoặc tím đỏ.
Lá mọc so le hình tim hoặc đầu nhọn, mặt trên màu lục sẫm, mặt dưới màu tím , hơi có lông dọc theo gân lá của cả hai mặt, gân chính 7, cuống lá dài, có bẹ, lá kèm có lông ở mép.
Cụm hoa mọc ở ngọn thân thành bông dài 2-2,5 cm, mang nhiều hoa nhỏ màu vàng nhạt, tổng bao gồm 4 lá bắc màu trắng nom như một chiếc hoa riêng lẻ, hoa không có bao hoa nhị 3
Quả nang mở ở đỉnh, hạt hình trái xoan nhẵn.
Toàn thân vỏ rau có mùi tanh như mùi cá.
Mùa hoa quả: tháng 5-7.
3. Đặc điểm giải phẫu (vi học)
Vi phẫu lá: Biểu bì trên và dưới của lá gồm 1 lớp tế bào hình chữ nhật, xếp đều đặn, mang lông tiết đầu đơn bào, chân đa bào và lông che chở đa bào có xen lẫn tế bào tiết màu vàng ở mặt trên gân lá. ở mặt dưới phiến lá có lỗ khí. Hạ bì trên từ phiên lá chạy qua gân giữa gồm một lớp tế bào to, thành mỏng. Hạ bì dưới tế bào bé hơn, bị ngăn cách bởi một số tế bào mô mềm ở giữa gân lá. Mô mềm gồm các tế bào thành mỏng và ít khuyết nhỏ. Bó libe-gỗ ở giữa gân lá gồm có bó gỗ ờ trên, bó libe ờ dưới. Mô mềm phiến lá có những khuyết nhỏ và bó libe-gỗ nhỏ.
4. Đặc điểm bột dược liệu
Bột toàn thân: Màu lục vàng, vị hơi mặn, hơi cay, mùi tanh. Mảnh biểu bì trên và biểu bì dưới gồm các tế bào hình nhiều cạnh, thành hơi dày, mang tế bào tiết. Biểu bì dưới có lỗ khí, tế bào tiết tròn, chứa tinh dầu màu vàng nhạt hay vàng nâu, bề mặt có vân, xung quanh có 5 đến 6 tế bào xếp tỏa ra. Lỗ khí có 4 đến 5 tế bào kèm nhỏ hơn. Lông che chở đa bào và tế bào tiết. Hạt tinh bột hình trứng, có khi tròn hay hình chuông dài 40 µm, rộng khoảng 36 µm. Mảnh thân gồm các tế bào hình chữ nhật thành mỏng và tế bào tiết. Mảnh mạch xoắn.
5. Phân bố, sinh học và sinh thái
Ở Việt Nam, cây mọc hoang dại ở các tỉnh miền núi, trung du và đồng bằng. Độ cao đến 1500 m (Sa Pa). Cây còn được trồng ở nhiều nơi để làm rau và làm thuốc.
Diếp cá thuộc loại cây ưa ẩm và hơi chịu bóng, thường mọc ở đất ẩm, nhiều mùn dọc theo các bờ khe suối, mương nước trong thung lũng và ở vùng đồng bằng, Cây sinh trưởng gần như quanh năm, mạnh nhất trong mùa xuân hè, có hoa quả hàng năm trên những cây không bị ngắt ngọn và hái lá thường xuyên, có khả năng tái sinh chồi mạnh từ thân rễ.
6. Bộ phận dùng, thu hái, chế biến
Toàn cây trên mặt đất (Herba Houttuyniae cordatae) dùng tươi hay khô, thu hái quanh năm.
7. Thành phần hoá học
Flavonoid (quercitrin, rutin, hyperin…), ngoài ra còn có tinh dầu (α-pinen, linolol), alkaloid (N-(4-Hydroxystyryl) benzamid, aristolactam A-B, piperolactam A, norcepharacdion B).
8. Tác dụng dược lý - Công dụng
Tác dụng dược lý: Flavonoid trong Diếp cá có tác dụng làm bền thành mạch, tác dụng kiểu vitamin P, chống oxy hóa. Quercitrin có tác dụng lợi tiểu. Tinh dầu của Diếp cá có tác dụng kháng khuẩn, kháng viêm, kháng virus, ngoài ra còn hiệu quả trong việc cải thiện sự chuyển hóa chất béo, albumin niệu, tình trạng kháng insulin trên chuột bị đái tháo đường.
Công dụng và cách dùng: Dân gian dùng trị thanh nhiệt, giải độc, tiêu viêm, trị táo bón, trĩ, cầm máu, chữa đau mắt đỏ, lợi tiểu, sát trùng đường tiểu, kinh nguyệt không đều. Ngoài ra còn dùng trị giãn tĩnh mạch chi dưới.