Nhảy đến nội dung

Gai

 

1. Tổng quan

Tên khác: Trữ ma, Gai tuyết, Gai làm bánh

Tên khoa học: Boehmeria nivea Gaudich.,

Họ: Urticaceae (họ Gai).

2. Mô tả

Cây nhỏ, cao 1-2 m. Thân cứng hóa gỗ ở gốc. Cành màu đỏ nhạt, phủ nhiều  lông sát.

Lá mọc so le, hình trái xoan hoặc hình trứng, gốc tròn hay hình tim, đầu thuôn nhọn, dài 7 – 15 cm, rộng 4 – 8 cm, lúc non phủ nhiều lông mềm ở cả hai mặt, lúc già thì mặt trên nhẵn màu lục sẫm, mặt dưới lông trở thành trắng bạc. Mép có răng hình tam giác, gân gốc 3, cuống lá mảnh, màu đỏ, có lông mềm, lá kèm hình dải nhọn, dễ rụng.

Cụm hoa cùng gốc hay khác gốc, ngắn hơn lá, mọc ở kẽ lá, xếp thành chùy đơn ở hoa cái hay hợp lại với nhau ở hoa cái và hoa đực, có khi tạo thành những túm dày đặc, cụm hoa đực nhiều hoa, nụ hình cầu có lông lởm chởm, lá dài 4, nhị 4, nhụy lép có dạng quả lê, cụm hoa cái hình cầu, mang nhiều hoa, bao hoa màu lục nhạt, hình trứng có lông, hầu giẹp, hình trái xoan, hơi có cánh.

Quả bế, hình quả lê, có nhiều lông, hạt có dầu

Mùa hoa quả tháng 11 -1.

3. Đặc điểm giải phẫu (vi học)

Vi phẫu rễ: Lớp bần gồm 3 đến 4 hàng tế bào hình chữ nhật, màu nâu. Mô mềm vỏ gồm các tế bào hình đa giác, thành mỏng, rải rác có các tế bào chứa chất nhày và tinh thể calci oxalat hình cầu gai, đôi khi có đám sợi. Bó libe-gỗ bị ngăn cách nhau bởi các tia ruột kéo dài ra tận mô mềm vỏ. Trong libe cũng có đám sợi. Mạch gỗ tròn to, chạy dài đến ruột. Mô mềm ruột hẹp.

4. Đặc điểm bột dược liệu

Bột rễ: Màu vàng nâu. Soi kính hiển vi thấy: Sợi dài, rời hoặc dính lại thành bó. Mảnh mô mềm có tế bào hình nhiều cạnh, thành mỏng, chứa đầy tinh bột. Hạt tinh bột tròn, nhỏ. Mảnh mạch gỗ rộng. Mảnh bần màu vàng sẫm, dày. Tinh thể calci oxalat hình cầu gai.

5. Phân bố, sinh học và sinh thái

Gai là cây trồng tương đối phổ biến trong nhân dân để lấy lá làm bánh và rễ củ làm thuốc.

Gai thuộc loại cây ưa ẩm và có thể hơi chịu bóng, sinh trưởng phát triển nhanh trong mùa mưa ẩm, đến mùa đông có hiện tượng rụng lá, hơi tàn lụi. Gai có khả năng tái sinh vô tính khoẻ bằng cách tái sinh cây chồi sau khi chặt và từ các đoạn thân, cành đem giâm xuống đất.

6. Bộ phận dùng, thu hái, chế biến

Rễ củ (Radix Boehmeriae) thường gọi là Trữ ma căn và lá (Folium Boehmeriae).

7. Thành phần hoá học

Rễ Gai chứa chủ yếu các acid phenol (acid chlorogenic, acid cafeic, acid quinic, acid protocatechuic), ngoài ra còn có flavonoid (rhoifolin, apigenin), triterpen.

8. Tác dụng dược lý - Công dụng

Rễ Gai thường được dùng để trị nhiễm trùng đường tiết niệu, viêm thận, phù thũng, ho ra máu, đái ra máu, trĩ chảy máu, rong kinh, động thai, đe doạ sẩy thai.