Nhảy đến nội dung

gừng

 

1. Tổng quan

Tên khác: Khương

Tên khoa học: Zingiber officinale Roscoe.

Họ: Zingiberaceae (họ Gừng).

2. Mô tả

Dạng cây thảo có thể cao tới 1 m.

Thân rễ nạc và phân nhánh xoè ra như hình bàn tay gần như trên cùng một mặt phẳng, màu vàng, có mùi thơm.

Lá mọc so le, không cuống hình mác, có gân giữa hơi trắng nhạt khi vò có mùi thơm.

Phát hoa dài cỡ 20 cm, mang cụm hoa hình bông, gồm nhiều hoa mọc sít nhau. Hoa có tràng hoa màu vàng xanh, có thuỳ gần bằng nhau nhọn. Cánh môi ngắn hơn các thuỳ của tràng, màu tía với những chấm vàng. Nhị hoa màu tím.

Quả mọng (hiếm gặp).

3. Đặc điểm giải phẫu (vi học)

Vi phẫu thân rễ: Biểu bì gồm một lớp tế bào nhỏ hình chữ nhật, xếp tương đối đều đặn. Dưới lớp biểu bì là lớp suberoid gồm 5 đến 6 hàng tế bào tròn hoặc gần tròn nhuộm màu xanh, xếp xen kẽ nhau. Phía dưới lớp suberoid là lớp bần gồm những tế bào hình chữ nhật, xếp xuyên tâm và đồng tâm. Mô mềm vỏ gồm các tế bào tròn. Phía trong, lớp nội bì tạo thành vòng không liên tục, sát lớp nội bì là lớp trụ bì. Các bó libe-gỗ rải rác trong phần mô mềm vỏ và mô mềm ruột, tập trung nhiều nhất ờ sát lớp nội bì. Mỗi bó hình tròn hay hình trứng có 1 đến 6 mạch gỗ ở giữa, libe chồng lên gỗ, rải rác có các mạch gỗ bị cắt dọc. Những tế bào tiết tinh dầu rải rác khắp mô mềm ruột và mô mềm vỏ.

4. Đặc điểm bột dược liệu

Bột thân rễ: Mảnh mô mềm gồm những tế bào hình nhiều cạnh, rải rác có chứa tế bào tiết tinh dầu màu vàng nhạt. Tinh bột hình trứng, có vân rõ. Mảnh bần gồm các tế bào hình chữ nhật, vách dày. màu vàng nâu. Sợi có thành mỏng. Mảnh mạch vạch, mạch vòng, mạch điểm.

5. Phân bố, sinh học và sinh thái

Gừng là loại cây gia vị cổ điển được trồng ở nhiều nước trong vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới, từ Đông Á đến Đông Nam Á và Nam Á. Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản là những nước trồng Gừng nhiều nhất thế giới.

Ở Việt Nam, cây được trồng ở khắp các địa phương, từ vùng núi cao đến đồng bằng và ngoài các hải đảo.

6. Bộ phận dùng, thu hái, chế biến

Thân rễ (Rhizoma Zingiberis) dùng tươi (sinh khương), khô (can khương), sao vàng hoặc sao cháy (thán khương). Thường thu hoạch khi cây sắp lụi. Đào lấy rễ củ, cắt bỏ thân lá, rễ con, rửa sạch, phơi khô. Có thể dùng dưới dạng tươi, dạng khô, sao vàng hoặc sao gần cháy tùy theo mục đích sử dụng.

7. Thành phần hoá học

Tinh dầu (1-3%) có mùi thơm của gừng tươi; thành phần chủ yếu là: d-camphor, b-phelandren, zingiberen, citral, borneol, geraniol.

Phần nhựa dầu có các dẫn chất gingerol, shogaol mang lại vị cay đặc trưng của Gừng. Ngoài ra còn có các enzym protease, tinh bột.

8. Tác dụng dược lý - Công dụng

Trị lạnh bụng, đầy hơi, ăn uống không tiêu, đau bụng tiêu chảy, chống nôn, chống say tàu xe. Trị cảm cúm, làm ra mồ hôi, trị nhức đầu, ho mất tiếng. Gừng sao vàng chữa tay chân lạnh, nhức mỏi tê bại, tê thấp. Dùng ngoài để cứu (trong châm cứu), đánh gió.