Nhảy đến nội dung

hoàn ngọc hoa đỏ

 

1. Tổng quan

Tên khác: Xuân hoa đỏ, Hồng ngọc.

Tên khoa học: Strobilanthes schomburgkii (Craib) J.R.I.Wood.

Họ: Acanthaceae (họ Ô rô).

2. Mô tả

Cây thảo, mọc thành bụi hoặc trườn, dài đến 2 m; cành non gần như hình vuông, cành già gần như hình trụ, có 2 rãnh dọc.

Phiến lá hình mác, cỡ 4-15 x 1-3 cm, hai mặt lá nhẵn, gốc lá hình nêm và men theo cuống, chóp lá nhọn hoặc có mũi nhọn, gân bên 4-6 cặp, nổi rõ ở mặt dưới; cuống lá dài 0,2-0,5 cm.

Cụm hoa dạng bông dày ở đầu cành; lá bắc hình thuôn-hình mác, cỡ 10-13 mm, có lông cứng, dày màu trắng, có 2-3 cặp gân, chóp nhọn; lá bắc con hình mác-hình đường, có lông mịn.

Đài cao 9-10 mm, xẻ sâu đến gần gốc; các thùy đài hình đường, kích thước gần bằng nhau, chóp nhọn, có lông cứng, dài màu trắng; đôi khi có lông tuyến ở phía trên đỉnh. Tràng màu trắng-hồng, dài cỡ 2,5-3 cm, gốc ống tràng hình trụ và mở rộng ra ở phía miệng tràng; miệng tràng 5 thùy, các thùy hình trứng, gần bằng nhau.

Nhị 4, chỉ nhị dạng mành, chỉ nhị phần rời nhau có lông tơ mịn; bao phấn hình bầu dục, cỡ 2 mm. Bầu nhẵn, dài 3 mm; vòi nhụy dài 1,8-2,2 cm, có lông tơ mịn; núm nhụy hình mác-hình đường, có 2 thùy

3. Phân bố, sinh học và sinh thái

Cây phân bố nhiều ở các tỉnh Yên Bái, Lạng Sơn, Bắc Kạn (Chợ Đồn: Bằng Lũng), Thái Nguyên, Hà Nội (Cầu Giấy), Thừa Thiên-Huế (Phú Lộc: Vườn quốc gia Bạch Mã), Bà Rịa-Vũng Tàu (Côn Đảo), Đắk Lắk (Krông Bông), Bình Phước (Phước Long: Phú Văn). Còn có ở Thái Lan, Campuchia. Có thể là loài bản địa của Thái Lan nhưng được trồng và sử dụng ở Campuchia, Malaixia, Ấn Độ và nhiều quốc gia khác.

4. Bộ phận dùng, thu hái, chế biến

Bộ phận dùng: Cành và lá

5. Tác dụng dược lý - Công dụng

Theo dân gian, cây có tác dụng chữa viêm gan, làm thuốc tiêu độc, các bệnh về đường tiêu hóa, các bệnh dạ dày như khó tiêu, chướng bụng, ợ chua.