1. Tổng quan
Tên khác: Hòe, Lài luồng (Tày), Hòe hoa, Hòe mễ.
Tên khoa học: Styphnolobium japonicum (L.) Schott. Synonym: Sophora japonica L.
Họ: Fabaceae (họ Đậu).
2. Mô tả
Cây nhỡ thường xanh cao 5-7 m, có khi đến 10 m. Thân có vỏ hơi nứt nẻ và cành nằm ngang. Cành hình trụ, nhẵn, màu xanh lục nhạt, có những chấm trắng.
Lá kép lông chim lẻ, mọc so le, 11-17 lá chét mọc đối, hình bầu dục – thuôn, gốc tròn, đầu hơi nhọn, dài 3-4 cm, rộng 1,2-2 cm, màu lục nhạt, nhất là ở mặt dưới, hơi có lông.
Cụm hoa mọc ở đầu cành thành chum dài 20cm, phân nhánh nhiều; hoa nhỏ màu trắng hoặc vàng nhạt; đài hình chuông, gần như nhẵn; cánh hoa có móng ngắn, cánh cờ rộng, hình tim cụt ở gốc, mép cong lên; nhị 10 rời nhau; bao phấn hình bầu dục.
Quả đậu, hình tràng hạt, thắt lại không đều giữa các hạt, nhẵn, không mở, đều có mũi nhọn ngắn; hạt 2-5, hình bầu dục, hơi dẹt, màu đen bóng.
Mùa hoa: tháng 5-8. Mùa quả tháng 9-11.
3. Đăc bột dược liệu
Có nhiều hạt phấn hình cầu, đường kính 16 pm, có 3 lỗ rãnh, bề mặt có nếp nhăn dạng mắt lưới. Lông che chở đa bao gồm 2 tế bào đến 4 tế bào, tế bào ở phía đầu đài và thuôn nhọn, tế bào ở chân ngắn. Mảnh biểu bì cánh hoa gồm những tế bào hình nhiều cạnh có nhiều vân nhỏ, sít nhau. Mảnh biểu bì đài hoa gồm những tế bào hình nhiều cạnh có mang lỗ khí (kiểu thập tự) và lông che chở. Mảnh mạch xoắn.
4. Phân bố, sinh học và sinh thái
Cây hoè mọc hoang và được trồng khắp nơi ở nước ta, vì trước đây người ta dùng để uống nước cho mát và dùng để nhuộm màu vàng. Hàng năm khả năng ta có thể thu mua rất nhiều, thừa dùng trong nước. Nhưng gần đây nhu cầu xuất khẩu lớn nên ta đang phát triển trồng. Trồng bằng hạt hoặc dâm cành. Sau 3- 4 năm bắt đầu thu hoạch.
5. Bộ phận dùng, thu hái, chế biến
Nụ hoa (Flos Sophorae immaturus), gọi là Hòe mễ được phơi hay sấy khô.
6. Thành phần hoá học
Hoa hoè chứa chủ yếu là flavonoid (rutin, quercetin).
7. Tác dụng dược lý - Công dụng
Lương huyết chỉ huyết, thanh can tả hỏa. Chủ trị: Các chứng chảy máu, chảy máu cam, ho ra máu, băng huyết, đại tiểu tiện ra máu, đau đầu, chóng mặt, mắt đỏ.
Ngoài ra còn dùng chống dị ứng, thấp khớp, tổn thương ngoài da do bức xạ.
Dạng dùng: Dạng hãm (trà Rutin, …), còn dùng để chiết rutin làm thuốc (dùng riêng hay phối hợp với vitamin C như Rutin C, Rutascorbon…) và để bán tổng hợp các dẫn chất từ rutin như hydroxyethylrutoside (troxerutin) hay điều chế quercetin.
Ghi chú: Không được dùng trong trường hợp nghẽn mạch và máu có độ đông cao.