Nhảy đến nội dung

húng chanh

 

1. Tổng quan

Tên khác: Tần dày lá, thơm lông, dương tử tô.

Tên khoa học: Plectranthus amboinicus (Lour.) Spreng. Synonym: Coleus amboinicus Lour.

Họ: Lamiaceae (họ Hoa môi).

2. Mô tả

Cây thân thảo, sống lâu năm, cao 20-50 cm. Thân mọc đứng hay ngả, phần sát gốc hóa gỗ.

Lá mọc đối, dày, mọng nước, hình trứng rộng, gốc hình nêm, đầu hơi nhọn hoặc tù, dài 3-6 cm, rộng 2-5 cm, mép khía răng tròn.

Cụm hoa mọc ở ngọn thân và đầu cành thành bông dày, các vòng mang hoa rất sít nhau; hoa nhỏ màu tím hồng; đài hình chuông ngắn, có lông, chia 5 răng, răng trên hình trứng rộng, răng dưới và răng bên gần bằng nhau; tràng cong, có ống hình phễu, mặt ngoài có lông, mặt trong nhẵn, môi dưới dài hình ống tràng, môi trên ngắn, 3 thùy, thùy trên rộng, hai thùy bên hình mũi mác, nhị 4 thò ra ngoài tràng.

Quả bế tư, nhỏ, hình cầu, màu nâu.

Toàn cây có lông rất nhỏ, mùi thơm như chanh.

Mùa hoa quả: tháng 3-5.

3. Đặc điểm giải phẫu (vi học)

Vi phẩu lá: Biểu bì trên và biểu bì dưới có lông che chở đa bào gồm 3 tế bào đến 6 tế bào. Lông tiết có 2 loại: loại đầu có 2 tế bào, chân đơn bào rất ngắn và loại đầu đơn bào, chân đơn bào. Phần gân lá có mô dày sát biểu bì trên và biểu bì dưới. Tế bào mô mềm thành mỏng, to. Nhiều bó libe-gỗ hình trái xoan xếp thành vòng tròn ờ phần gân chính. Những bó phía trên nhỏ, những bó phía dưới to. Tất cả các bó đều quay gỗ vào phía trong. Phiến lá chỉ có một loại mô khuyết.

4. Phân bố, sinh học và sinh thái

Cây được trồng phổ biến ở Việt Nam.

5. Bộ phận dùng, thu hái, chế biến

Lá, ngọn non (Folium et Gemma Plectranthi) tươi hoặc phơi âm can của cây Húng chanh.

6. Thành phần hoá học

Tinh dầu (thành phần chính là carvacrol và thymol). Các hợp chất khác như acid phenolic, flavonoid, monoterpen hydrocarbon, serquiterpen hydrocarbon, monoterpen oxy hóa và các este.

7. Tác dụng dược lý - Công dụng

Dùng làm gia vị, trừ đờm, giải cảm, làm ra mồ hôi. Trị ho, viêm họng.