Nhảy đến nội dung

hương nhu tía

 

1. Tổng quan

Tên khác: É tía, é rừng, é đỏ.

Tên khoa học: Ocimum tenuiflorum L. Synonym: Ocimum sanctum L.

Họ: Lamiaceae (họ Hoa môi).

2. Mô tả

Cây thảo nhỏ cao có thể tới gần 2 m. Thân vuông, non có màu đỏ tía, có lông.

Lá mọc đối chéo chữ thập, phiến lá nhỏ hình trứng, dài 2-5 cm, rộng 1-3 cm, mép có khía răng cưa, hai mặt đều có lông.

Hoa màu tím mọc thành bông xim co ở đầu cành, xếp thành từng vòng 5-6 cái trên cụm hoa; đài hoa dài 3-5 mm; tràng hoa có cánh hơi lượn sóng ở mép; nhị 4, vượt ra ngoài tràng.

Quả bế tư, gần hình cầu, hơi dẹt, màu nâu nhạt hoặc đỏ, có đốm đen nhỏ nằm trong đài tồn tại. Toàn cây có mùi thơm.

3. Đặc điểm giải phẫu (vi học)

Lá: Biểu bì trên và biểu bì dưới có mang lông che chở đa bào gồm 2 tế bào đến 10 tế bào xếp thành dãy dài. Tế bào của lông có thành khá dày, chỗ chân lông dính vào biểu bì các tế bào nhô cao tạo thành u lồi. Lông tiết có chân gồm 1 tế bào đến 2 tế bào ngắn, đầu thường có 2 tế bào đến 4 tế bào chứa tinh dầu màu vàng. Ở vùng gân chính có mô dày nằm sát biểu bì trên và biểu bì dưới. Cung libe-gỗ thường chia làm hai, phần trên có hai bó libe-gỗ nhỏ quay xuống đối diện với hai cung libe-gỗ to. Cung mô dày dính kèm theo phía dưới của cung libe. Phần phiến lá có một lớp mô dậu ở sát biểu bì trên, kế đến là mô khuyết.

4. Đặc điểm bột dược liệu

Bột lá có màu xanh nâu, mùi thơm, vị hơi cay. Dưới kính hiển vi thấy: Lông che chở đa bào có nhiều đoạn thắt, bề mặt lấm tấm. Lông tiết chân 1 đến 2 tế bào ngắn, đầu có 2 đến 4 tế bào chứa tinh dầu màu vàng. Mảnh biểu bì lá có lỗ khí (kiểu trực bào). Mảnh mạch vạch, mạch xoắn, mạch mạng, mạch chấm. Hạt phấn hoa hình cầu đường kính 35 đến 39 μm, có 6 rãnh, bề mặt có dạng mạng lưới. Mảnh cánh hoa có tế bào màng ngoằn ngoèo, mang nhiều lông tiết. Sợi đứng riêng lẻ hay chụm thành từng đám. Tế bào mô cứng thành dày và có ống trao đổi rõ.

5. Phân bố, sinh học và sinh thái

Cây được trồng khắp nơi để làm thuốc.

6. Bộ phận dùng, thu hái, chế biến

Đoạn đầu cành có hoặc không có hoa (Herba Ocimi sancti). Thu hái khi cây có hoa. Phơi trong râm hoặc sấy nhẹ cho đến khô. Nếu cất lấy tinh dầu có thể dùng tươi.

7. Thành phần hoá học

Toàn cây có chứa tinh dầu (khoảng 0,2‑0,3% trong dược liệu tươi), gồm hai phần có tỷ trọng nhẹ và nặng hơn nước. Thành phần chính của tinh dầu thường là Eugenol (40‑50%), có khi là methyl eugenol (50-70%) tùy theo vùng địa lý.

Ngoài ra, cây còn chứa flavonoid, ocimumosid, coumarin (ocimarin), polysaccharid,…

8. Tác dụng dược lý - Công dụng

Tác dụng dược lý: Tinh dầu Hương nhu tía có khả năng ức chế sự sinh trưởng của vi khuẩn E. coliB. anthracis và Pseudomonas aeruginosa. Tinh dầu Hương nhu còn có tác dụng kháng viêm, giảm đau, hạ sốt, trị giun sán…

Công dụng và cách dùng: Hương nhu tía được dùng trong dân gian để hạ sốt, chữa cảm, nhất là cảm nắng, say nắng, nhức đầu, đau bụng, nôn mửa. Eugenol được dùng trong nha khoa kháng khuẩn, giảm đau tại chỗ và là nguyên liệu để tổng hợp vanilin.