Nhảy đến nội dung

khế

 

1. Tổng quan

Tên khác: Khế chua, Ngũ liễm.

Tên khoa học: Averrhoa carambola L.,

Họ: Oxalidaceae (họ Chua me đất).

2. Mô tả

Cây nhỡ, cao 5-7 m, có khi lớn hơn. Thân hình trụ, có vỏ bần màu xám đen.

Lá mọc so le, kép lông chim lẻ, gồm 7-11 lá chét mỏng, hình trái xoan, lá chét to dần về phía ngọn.

Cụm hoa mọc ở kẽ lá thành chùm xim ngắn hơn lá; lá bắc nhỏ hình mác; hoa màu hồng hay tím hồng; đài 5 răng rời, ngắn bằng nửa tràng hoa; tràng 5 cánh mỏng, dính với nhau ở phần gốc; nhị 5 đối diện với lá đài, nhị lép đối diện với cánh hoa, chỉ nhị phồng và đính liền với gốc; bầu hình trứng có lông, 5 ô.

Quả to, thuôn dài, có đài tồn tại, có 5 múi vắt nhọn, tạo thành hình ngôi sao khi cắt ngang, màu vàng khi chín, hạt nhỏ và dẹp màu nâu vàng.

Mùa hoa quả: tháng 5-9.

3. Phân bố, sinh học và sinh thái

Cây mọc hoang và được trồng khắp nơi trong nước ta. 

4. Bộ phận dùng, thu hái, chế biến

Lá, vỏ cây thu hái quanh năm. Lá dùng tươi, vỏ sao vàng. Hoa, quả thu hái vào mùa hạ, thu, dùng tươi.

5. Thành phần hoá học

Quả khế chứa protein 0,5%, dầu 0,2%, carbohydrat 4,8%, đường toàn phần 3,5-11%, acid oxalic, vitamin A, C, B1, B2, P.

6. Tác dụng dược lý - Công dụng

Lá khế có vị chua chát, tính bình có tác dụng thanh nhiệt, mát huyết, tiêu viêm, lợi tiểu

Trong nhân dân thường dùng lá khế giã nhỏ đắp lên những nơi bị lở sơn (sơn ăn). Có thể dùng quả giã lấy nước mà đắp lên. Còn dùng chữa mẩn ngứa, lở loét sưng đau do dị ứng. Quả dùng lấy nước ép uống cho mát, chữa bệnh scobut.