Nhảy đến nội dung

kim ngân

 

1. Tổng quan

Tên khác: Nhẫn đông.

Tên khoa học: Lonicera japonica Thunb.,

Một số loài Kim ngân khác như Lonicera dasystyla Rehd.; Lonicera confusa L.; Lonicera macrantha DC. và Lonicera cambodiana Pierre cũng được dùng.

Họ: Caprifoliaceae (họ Cơm cháy).

2. Mô tả

Cây leo bằng thân quấn, cành non có lớp lông bao phủ gồm lông đơn ngắn và lông tuyến có cuống, màu hơi đỏ có vân.

Lá mọc đối, hơi dày, hình mũi mác – trái xoan, dài 4-7 cm, rộng 2-4 cm, gốc tròn, đầu nhọn, nhăn trừ mặt dưới trên các gân, cuống lá dài 5-6 mm, có lông.

Cụm hoa mọc ở kẽ các lá tận cùng thành xim hai hoa; lá bắc giống các lá con hình mũi mác, lá bắc con tròn có lông thưa ở mép, dài 5 răng mảnh, đôi khi không bằng nhau, có lông; tràng màu trắng sau chuyển màu vàng có lông mịn và lông tuyến ở ngoài, thơm, ống tràng dài 1,8-2 cm, môi dài 1,5-1,8 cm, nhị 5 thò ra ngoài, dính ở họng tràng, bao phấn đính lưng.

Quả hình cầu, màu đen.

Mùa hoa: tháng 3-5; mùa quả: tháng 6-8.

3. Đặc điểm giải phẫu (vi học)

Thân: Mặt cắt ngang có thiết diện tròn. Biểu bì gồm một lớp tế bào nhỏ, đều đặn, mang nhiều lông che chở. Mô dày gồm 2 đến 3 hàng tế bào thành dày xếp sát dưới lớp biểu bì. Mô mềm vỏ gồm những tế bào hình tròn, thành mỏng. Tế bào không đều có thành dày hóa gỗ tạo thành một vòng phía trong mô mềm vỏ. Libe tạo thành vòng liên tục. Các mạch gỗ xếp thành hàng, các hàng tập hợp lại thành bó. Mô mềm ruột gồm các tế bào hình đa giác tròn, có thành hóa gỗ nhiều, tế bào càng ở trong kích thước càng lớn dần. Cành già thường có khuyết ở trung tâm.

Gân giữa lá: Biểu bì trên và biểu bì dưới gồm một lớp tế bào xếp đều đặn thành ngoài hóa cutin mang nhiều lông che chở. Mô dày xếp sát biểu bì trên và biểu bì dưới gồm 3 đến 4 lớp tế bào hình đa giác tròn có thành dày ở góc. Mô mềm cấu tạo bởi các tế bào hình đa giác, có kích thước lớn, thành mỏng, rải rác mang tinh thể calci oxalat hình cầu gai. Bó libe-gỗ ở giữa gân lá. Libe tạo thành vòng bao quanh gỗ.

Phiến lá: Biểu bì trên và biểu bì dưới gồm một hàng tế bào phía ngoài hóa cutin, rải rác mang lông che chở. Mô dậu gồm các tế bào hình chữ nhật xếp vuông góc với biểu bì trên.

4. Đặc điểm bột dược liệu

Bột hoa: Bột màu vàng nâu nhạt, có mùi thơm nhẹ. Hạt phấn hình cầu, đường kính 53 µm đến 62 µm, màu vàng, có 3 lỗ rãnh nảy mầm rõ, bề mặt có nhiều gai nhỏ, thưa. Lông tiết gồm 2 loại: Lông tiết đầu hình chùy cấu tạo bởi 20 tế bào đến 30 tế bào và lông tiết đầu hình cầu gồm khoảng 10 tế bào. Lông che chở đơn bào cũng gồm 2 loại: Một loại thành dày, nhăn hoặc có những chấm lồi nhỏ, một loại thành mỏng, vết lồi rất rõ. Mảnh biểu bì cánh hoa có lông tiết, lông che chở.

Bột cành và lá: Bột màu nâu nhạt, mùi thơm nhẹ, vị hơi đắng. Lông che chở đơn bào, thành dày, nhẵn, chân lông hơi phình. Mảnh biểu bì mang lông che chở. Mạch dẫn có các loại mạch vạch, mạch điềm, mạch mạng, mạch xoắn. Hạt tinh bột đơn, kép đôi hay kép ba. Tinh thể calci oxalat hình cầu gai. Mảnh mô mềm phiến lá. Mành biểu bì mang lỗ khí.

5. Phân bố, sinh học và sinh thái

Kim ngân có nguồn gốc ở vùng Đông Nam Á, phân bố ở Trung Quốc, Nhật Bản và Triều Tiên. Ở Việt Nam, kim ngân phân bố chủ yếu ở các vùng núi và trung du phía bắc, như Quảng Ninh, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Giang, Hà Tây…

Cây ưa sáng, thường mọc ở rừng thứ sinh, đồi cây bụi và rừng núi đá vôi. Gần đây, cây được trồng ở một số gia đình vừa làm cảnh vừa lấy hoa làm thuốc.

6. Bộ phận dùng, thu hái, chế biến

Hoa sắp nở (Kim ngân hoa – Flos Lonicerae) của cây Kim ngân. Dược liệu là nụ hoa dài hình ống hẹp, ở đầu hơi phình to, màu vàng hơi lục đến vàng nâu; tỉ lệ hoa đã nở không quá 10%.

Cành lá (Herba Lonicerae) cũng được sử dụng.

7. Thành phần hoá học

Nụ hoa chứa chủ yếu là các flavonoid thuộc nhóm flavon, flavonol và glycosid (lonicerin, luteolin) và acid phenol (acid cafeic, trans-cinnamic, trans-ferulic; các dẫn chất cafeoyl quinic: acid chlorogenic, các đồng phân và các ester; các dẫn chất di-caffeoyl quinic); tinh dầu, triterpenoid, saponin, iridoid.

Lá chứa iridoid loganin và secologanin.

8. Tác dụng dược lý - Công dụng

Công dụng thanh nhiệt, giải độc, kháng viêm; dùng trong điều trị ung nhọt, ban sởi, mày đay, lở ngứa, cảm mạo phong nhiệt, ôn bệnh phát nhiệt, nhiệt độc huyết lị. Dùng dạng thuốc sắc hoặc hãm; có thể ngâm rượu làm hoàn tán.