1. Tổng quan
Tên khác: Bồng bồng, bông bông, nam tỳ bà.
Tên khoa học: Calotropis gigantea (L.) Dryand.,
Họ: Apocynaceae (Họ Trúc đào).
2. Mô tả
Cây nhỏ, cao 2-3 m. Thân đứng, phân nhiều cành. Vỏ thân lúc non khía rãnh, màu vàng nhạt, vỏ già màu xám trắng. Cảnh phủ lông dạng phấn, trắng như bông.
Lá mọc đối có phiến đáy, mép nguyên, cuống rất ngắn hoặc gần như không có cuống, gốc hình tim, 2 mặt đều có màu lục xám, mặt dưới có lông trắng như phấn. Ở gốc lá mặt trên có tuyến và một hàng lông màu nâu.
Cụm hoa mọc ở kẽ lá và đầu cành thành xim gồm nhiều tán, hoa màu trắng; đài 5, thùy hình trứng, mặt ngoài có lông; tràng hợp thành hình xe, thùy hình mũi mác, chỉ nhị dính liền nhau thành một ống che chở cho nhụy.
Quả gồm 2 đại, hình giáo, thuôn nhọn dần về phía đầu, chứa nhiều hạt có mào lông. Toàn thân có nhựa mủ.
Mùa hoa quả: Tháng 5-8
3. Đặc điểm giải phẫu (vi học)
Phần gân lá: Phía trên phẳng, phía dưới lồi. Biểu bì trên và dưới là một lớp tế bào nhỏ xếp đều đặn, có lông che chở đa bào (biểu bì dưới có nhiều lông hơn). Mô dày nằm dưới biểu bì gồm 2 đến 3 lớp tế bào hình tròn, thành dày. Tiếp đến là mô mềm, gồm những tế bào lớn hơn, hình trứng hay hình đa giác, có thành mỏng, kích thước không đều nhau, có ống nhựa mủ nằm rải rác trong mô mềm, hoặc trong mạch gỗ. Bó libe-gỗ gân chính gồm có cung gỗ gồm những mạch gỗ, xếp thành dãy, bao bọc bởi vòng libe. Rải rác có tinh thể calci oxalat hình cầu gai đường kính 0,03 mm đến 0,04 mm, trong tế bào mô mềm.
Phần phiến lá: Biểu bì trên và biểu bì dưới gồm một hàng tế bào nhỏ, xếp thành hàng đều đặn, rải rác có lỗ khí. Trên biểu bì, mang lông che chở đa bào. Phía dưới biểu bì trên là mô dậu, gồm 3 đến 4 hàng tế bào hình chữ nhật, xếp vuông góc với mặt lá. Mô mềm, gồm những tế bào thành mỏng, xếp sít nhau, để hở những khoảng gian bào. Rải rác trong phiến lá có mạch xoắn, bó libe-gỗ, libe ở ngoài, gỗ ở trong.
4. Đặc điểm bột dược liệu
Có màu lục nhạt, vị đắng hơi chát. Soi kính hiển vi thấy: Mảnh biểu bì có nhiều lỗ khí và lông che chở đa bào. Nhiều lông che chở đa bào thành mỏng, trong suốt. Nhiều mảnh mạch xoắn, các mảnh mạch vạch. Các tinh thể calci oxalat hình cầu gai nằm rải rác.
5. Phân bố, sinh học và sinh thái
Cây mọc hoang và được trồng nhiều nơi ở nước ta để làm hàng rào hay để lấy lá làm thuốc. Lá hái gần quanh năm. Dùng vải sạch lau hết lông, phơi hay sấy khô mà dùng.
6. Bộ phận dùng, thu hái, chế biến
Bộ phận dùng: Lá phơi hay sấy khô (Folium Calotropis)
Thu hái vào tháng 9 đến tháng 11. Lau sạch phấn trắng ở mặt sau lá. Phơi khô. Khi dùng rửa sạch, để ráo nước, thái chỉ, sao qua hoặc tẩm mật ong, sao vàng.
7. Thành phần hoá học
Lá, nhựa thân, rễ có glycosid tim (gofrusid, calotropin, calactin), flavonoid, terpen, prenanon (calotropon)…
8. Tác dụng dược lý - Công dụng
Trừ đờm, giảm ho, giáng khí nghịch, tiêu độc. Chủ trị: Hen suyễn kèm theo ho, nhiều đờm; dùng ngoài, trị bệnh ngoài da: Ngứa lở, mụn nhọt, đau răng, rắn cắn.
Ghi chú: Không dùng cho phụ nữ mang thai. Trường hợp ngộ độc Bông bông cần uống sữa hay nước cháo và tiêm atropin để giảm đau.