Nhảy đến nội dung

Long não

1. Tổng quan

Tên khác: Dã hương, Chương não.

Tên khoa học: Cinnamomum camphora (L.) Presl.

Họ: Lauraceae (họ Long não).

2. Mô tả

Cây to cao 10-15 m hay hơn tới 40-50 m, đường kính thân có thể đạt hơn 2 m, cành thưa nhẵn, lá mọc so le, hình bầu dục gân chính nổi rõ, hai bên có gân phụ nổi, tại góc gân phụ và gân chính có một hạch tuyển nổi, bóng; cuống lá dài 2,5-3,5 cm.

Hoa nhỏ, mọc thành chùy ở kẽ, ngắn hơn lá.

Quả hình cầu, to bằng hạt tiêu, phía dưới có cuống nhỏ hình chén.

3. Phân bố, sinh học và sinh thái

Cây long não được trồng tại nhiều tỉnh ở miền Bắc nước ta như Hà Giang, Tuyên Quang, Vĩnh Phú, Phú Thọ, Cao Bằng, Lạng Sơn. Hiện nay cây được trồng nhiều ở miền Nam để làm cảnh.

4. Bộ phận dùng, thu hái, chế biến

Gỗ và lá (Lignum et folium Cinnamomi Camphorae), thường gọi tên là Chương mộc. Rễ và quả cũng được sử dụng.

5. Thành phần hoá học

Rễ, thân, lá chứa tinh dầu với thành phần chính là d-camphor, là cấu tử tinh dầu thể rắn ở nhiệt độ phòng.

6. Tác dụng dược lý - Công dụng

Rễ, gỗ chữa cảm cúm, đau đầu, đau dạ dày, đầy bụng, thấp khớp, tổn thương do té ngã.

Quả trị đau dạ dày, khó tiêu hóa, trướng bụng, viêm dạ dày, ruột.

Vỏ thân, cành, lá dùng trị mụn nhọt, nấm tóc, ngứa, rết cắn.

Lá và hạt dùng đốt lấy hơi xông đuổi muỗi.

Tinh dầu có vị cay, thơm, tính ấm; có tác dụng khử phong thấp, thông kinh hoạt lạc, chỉ thống, tiêu thực, long đờm, lợi trung tiện, chống đầy hơi, làm ra mồ hôi, trừ lỵ. Tinh dầu từ gỗ có tác dụng tiêu viêm, giải độc.