Nhảy đến nội dung

lựu

 

1. Tổng quan

Tên khác: Bạch lựu, Thạch lựu.

Tên khoa học: Punica granatum L.

Họ: Punicaceae (họ Lựu).

2. Mô tả

Cây lựu là một cây thuộc mộc, cao chừng 3-4 m, cây nhỏ, có khi có gai. Lá dài, nhỏ, mềm mỏng, đơn, mép nguyên có khi mọc thành cụm nhưng thường mọc so le hoặc hơi mọc đối, cuống ngắn. Mùa hạ nở hoa màu đỏ tươi hoặc màu trắng (bạch lựu) hoặc mọc riêng lẻ hoặc từng xim có độ 3 hoa

Quả to bằng nắm tay. Đầu quả còn 4-5 lá đài tồn tại. Vỏ dày, ngoài da sắc lục, khi chín có màu vàng đỏ lốm đốm. Trong quả có 8 ngăn xếp thành hai tầng, tầng trên có 5 ngăn tầng dưới có 3. Các loại ngăn phân cách bởi các màng mỏng, hạt rất nhiều, hình 5 cạnh, sắc hồng trắng.

3. Phân bố, sinh học và sinh thái

Được trồng ở khắp nơi trong nước để làm cảnh và lấy quả. Trồng bằng cách dâm cành.

4. Bộ phận dùng, thu hái, chế biến

Vỏ thân, cành (Cortex Punicae), vỏ rễ (Cortex Punicae radicis), vỏ quả (Pericarpium Punicae).

5. Thành phần hoá học

Vỏ thân chứa tanin pyrogalic. Vỏ rễ có hoạt chất chính là alkaloid (pelletierin, iso-pelletierin…), tannin. Vỏ quả có chứa nhiều hợp chất phenol như ellagitannin, gallotannin, acid ellagic, acid gallagic, catechin, anthocyanin, acid ferulic, quercetin.

Dịch quả chứa glucose, fructose, acid hữu cơ, pectin, acid ascorbic, flavonoid, anthocyanin (delphinidin, cyanidin và pelargonidin) và amino acid.

6. Tác dụng dược lý - Công dụng

Vỏ rễ, vỏ thân dùng để trị sán, thuốc ngậm chữa đau răng. Vỏ quả chữa lỵ, tiêu chảy lâu ngày không khỏi.

Ghi chú: Vỏ rễ lựu độc, thận trọng, không dùng cho phụ nữ có thai và trẻ em.