Nhảy đến nội dung

Mía dò

 

1. Tổng quan

Tên khác: Cát lồi, Đọt đắng.

Tên khoa học: Hellenia speciosa (J.Koenig) Govaerts. Synonym: Cheilocostus speciosus (J.Koenig) C.D.Specht.

Họ: Zingiberaceae (họ gừng).

2. Mô tả

Cây thảo, sống lâu năm, cao 1 – 2 m, có khi đến 3 m. Thân rễ to, nạc, mọc bò ngang, phần non có vảy bao bọc, vảy có lông ngắn. Thân xốp, ít phân nhánh.

Lá mọc so le, hình trứng thuôn, gốc tròn có bẹ, đầu nhọn, mép nguyên, mặt trên nhẵn, mặt dưới có lông mịn, dài 15 – 20 cm, rộng 6 – 7 cm, gân chính nổi rõ. Lá non mọc thành một đường xoắn ốc rất đặc biệt. Bẹ lá nhẵn hoặc có lông, lúc non màu lục nhạt sau chuyển trắng ngà hoặc đỏ sẫm; lưỡi bẹ phẳng hoặc hơi vát.

Cụm hoa mọc ở ngọn thân thành bông chuỳ, dài 8 – 13 cm, rộng 5 – 9 cm; lá bắc dày, xếp lớp, màu đỏ, có mũi nhọn, lá bắc con kề bên, cùng màu; đài hình ống loe ở đầu, có 3 răng cứng màu đỏ sẫm; tràng hình phễu, có ống ngắn và cong màu trắng, họng vàng, nhẵn hoặc có lông; nhị dạng cánh mang một bao phấn, chỉ nhị kết hợp vối trung đới kéo dài thành một phần phụ hình trứng đào hẹp, đầu tròn cong lòng máng ôm lấy vòi nhuỵ; cánh môi to, màu hồng, trắng hoặc vàng, khía răng ở đầu; bầu nhẵn hoặc có lông.

Quả nang hình trứng hoặc hình bầu dục có 3 cạnh, màu đỏ sẫm, có đài tồn tại; hạt nhiều, có cạnh không đều, màu đen.

Mùa hoa quả: tháng 7-11.

3. Phân bố, sinh học và sinh thái

Ở Việt Nam, cây phân bố rộng rãi ở tất cả các tỉnh thuộc vùng núi, trung du và cả đổng bằng.

Cây ưa ẩm, ưa sáng và có thể hơi chịu bóng, thường mọc thành khóm lớn trên đất ẩm, xen với các cây cỏ khác ở ven rừng, ven bờ sông suối, bờ nương rẫy.

4. Bộ phận dùng, thu hái, chế biến

Thân rễ (Rhizoma Costi). Thân rễ, thu hoạch vào mùa thu, rửa sạch, cắt bỏ rễ con, thái phiến phơi hay sấy nhẹ cho khô. Nếu thân rễ đã khô, phải ủ cho mềm rồi thái phiến. Dùng lửa nhỏ sao đến khi bề mặt phiến có màu vàng. Có nơi dùng búp non hay cành non. Cây trồng 18-20 tháng thì thu hái thân rễ.

5. Thành phần hoá học

Thân rễ có chứa saponin steroid có genin là diosgenin, tigogenin, ngoài ra còn có các hợp chất phenol, tannin…

6. Tác dụng dược lý - Công dụng

Thân rễ mía dò chữa sốt, đái buốt, đái nước tiểu vàng, viêm bàng quang. Ngọn hay cành non mía dò đem nướng, rồi vắt lấy nước nhỏ chữa đau mắt, đau tai. Thân rễ mía dò còn là nguồn chiết xuất diosgenin dùng làm nguyên liệu bán tổng hợp các hormon steroid.