Nhảy đến nội dung

Ngãi cứu

1. Tổng quan

Tên khác: Thuốc cứu, Ngải diệp.

Tên khoa học: Artemisia vulgaris L.

Họ: Asteraceae (họ Cúc)

2. Mô tả

Cây thảo đa niên, cao 50-60 cm, thân có rãnh dọc và lông mịn.

Lá mọc cách, có nhiều dạng: Lá trên ngọn nguyên, hình mác; lá phía dưới xẻ một hoặc hai lần hình lông chim, phiến lá rộng xẻ 5 thùy, 2-3 lần, mặt trên nhẵn màu lục sẫm, mặt dưới màu trắng tro do có nhiều lông trắng mịn.

Hoa mọc thành chùm kép gồm nhiều cụm hoa đầu; mang hoa cái hoặc hoa lưỡng tính, thường là hoa cái; hoa cái tràng hình ống, cụt hoặc có răng cưa ở đầu, hoa lưỡng tính tràng hình phễu, 5 thùy, uốn cong ra phía ngoài; nhị 5.

Quả bế, thuôn nhỏ. Mùa hoa quả vào tháng 10-12.

3. Đặc điểm giải phẫu (vi học)

Lá:

Phần gân lá: Gân chính lồi lõm ở cả 2 phía trên và  dưới. Biểu bì trên và biểu bì dưới gồm một hàng tế bào  hình trứng và đều mang 2 loại lông che chở đa bào: lông đa bào một dãy và lông đa bào hình chữ T (đầu lông có 1 tế bào hình thoi nằm ngang, chân lông đa bào đính vào  giữa tế bào hình thoi). Sát lớp biểu bì là đám mô dày gồm 2 hàng đến 3 hàng tế bào cỏ thành dày ở góc. Mô mềm gồm các tế bào hình gần tròn hoặc hình nhiều cạnh, thành mỏng, tương đối đều. Có 3 đến 5 bó libe-gỗ rời nhau xếp thành hình cung cân đối: bó ở giữa to nhất, các bó hai bên  nhỏ dần (cấu tạo libe-gỗ chồng kép). Libe gồm những tế  bào nhỏ hình đa giác xếp bao lấy gỗ, các mạch gỗ xếp  thành hàng tương đối đều đặn.

Phần phiến lá: Biểu bì trên và biểu bì dưới gồm một hàng  tế bào có kích thước lớn hơn tế bào ở phần gân lá, mang  lông che chở đa bào. Biểu bì dưới mang lỗ khí nhô hẳn ra  ngoài biểu bì. Dưới lớp biểu bì trên có mô giậu gồm một  hàng tế bào hình chữ nhật, xếp vuông góc với biểu bì, kế  đến là mô khuyết.

Thân: Mặt cắt ngang có hình gần như đa giác do có nhiều  chỗ lồi, từ ngoài vào trong có: Biểu bì gồm 1 hàng tế bào  nhỏ hình trứng, mang lông che chở đa bào 1 dãy và lông đa bào hình chữ T. Đám mô dày tập trung ở các chỗ lồi.  Mô mềm vỏ gồm các tế bào thành mỏng xen kẽ giữa các  đám mô dày. Từng đám mô cứng hình thoi (hai đầu nhỏ, ở giữa phình to) nằm úp lên phần libe của các bó libe-gỗ. Tầng phát sinh libe-gỗ và libe tạo thành vòng. Gỗ và đám  mô cứng phía ngoài libe tạo thành bó tròn, tập trung nhiều ở các chỗ lồi. Mô mềm ruột câu tạo bởi những tế bào thành  mỏng, các tế bào phía ngoài hình tròn hay đa giác; ở giữa  bị kéo dài ra, phần trung tâm các tế bào tròn và to hơn.

4. Đặc điểm bột dược liệu

Bột ngọn thân và lá: Lông che chở (bị gãy hoặc còn nguyên) đa bào hoặc đa  bào hình chữ T (đầu đơn bào hình thoi, chân lông đa bào  một dãy). Lông tiết: đầu có một tế bào, chân có 3 tế bào. Mảnh biểu bì thân gồm tế bào hình chữ nhật, Mảnh biểu bì lá gồm tế bào có thành mỏng, nhăn nheo. Lỗ khí thường  tách rời khỏi biểu bì và đứng riêng lẻ. Sợi, thành hơi  dày, đứng riêng lẻ hoặc tụ họp thành từng đám. Tế bào mô cứng hình trái xoan thành dày, khoang rộng, có ống trao đổi rõ. Mảnh mạch điểm, mạch vạch, mạch xoắn.

5. Phân bố, sinh học và sinh thái

Ngải cứu mọc hoang nhiều nơi ở nước ta, còn thấy mọc ở nhiều nước khác ở Châu Á, cả Châu Âu nữa. 

6. Bộ phận dùng, thu hái, chế biến

Ngọn thân đã phơi hay sấy khô (Herba Artemisiae vulgaris) thu hái khi cây có hoa, dùng tươi hoặc phơi âm can hay sấy nhẹ tới khô.

7. Thành phần hoá học

Tinh dầu (cineol, borneol, thymol,…)flavonoid, tanin, acid amin (adenin, cholin).

8. Tác dụng dược lý - Công dụng

Kinh nguyệt không đều, băng huyết, rong huyết, thổ huyết, khí hư bạch đới, động thai, viêm ruột, lỵ.

Còn dùng làm thuốc trợ tiêu hóa chữa đau bụng, nôn mửa, làm thuốc cứu trong châm cứu. Dùng ngoài chườm nóng trị đau do sang chấn.