Nhảy đến nội dung

ngũ gia bì chân chim

 

1. Tổng quan

Tên khác: Nam sâm.

Tên khoa học: Schefflera heptaphylla (L.) Frodin

Họ: Araliaceae (họ Nhân sâm).

2. Mô tả

Dạng cây nhỏ hoặc cây to có thể cao từ 2-8 m.

Lá kép hình chân vịt, mọc so le có 6-8 lá chét, cuống lá dài 8-30 cm, lá chét nguyên hình trứng, đầu nhọn hay hơi tù dài 7-17 cm, rộng 3-6cm, cuống lá chét ngắn 1.5-2.5 cm. Cuống lá chét giữa dài hơn đo được 3-5 cm. Cụm hoa chùy hoặc chùm tán.

Hoa nhỏ màu trắng, số cánh hoa và nhị bằng nhau thường là 5, bao phấn 2 ngăn bầu hạ có 5-6 ngăn.

Quả mọng hình cầu, đường kính 3-4 mm. Khi chín có màu tím sẫm đen, trong có 6-8 hạt.

Mùa hoa nở thu đông.

3. Đặc điểm giải phẫu (vi học)

Vi phẫu thân: Lớp bần còn sốt lại gồm khoảng 10 hàng tế bào hình chữ  nhật nằm ngang, thành hơi dày, xếp chồng lên nhau thành  dãy xuyên tâm đều đặn. Tầng sinh bần-lục bì gồm một lớp tế bào hình chữ nhật  nằm ngang, xếp đều đặn. Tế bào mô cứng thành rất dày,  hình chữ nhật hay hình nhiều cạnh, nằm ngang, khoang  hẹp, xếp thành vòng liên tục sát tầng sinh bần-lục bì. Mô mềm vỏ gồm các tế bào thành mỏng, hẹp và kéo dài  theo hướng tiếp tuyến, trong mô mềm vỏ cỏ các ống tiết rải  rác. Vòng libe cấp 2 dày chiếm 2/3 chiều dày vỏ thân, tế  bào libe thành mỏng. Sợi libe xếp thành đám, xen kẽ thành  nhiều tầng trong libe. Tế bào sợi tròn thành dày, Cạnh đám  sợi có tinh thể calci oxalat, tia tủy hẹp gồm 3 dãy tế bào đi  xuyên qua vùng libe cấp 2, theo hướng xuyên tâm.

4. Đặc điểm bột dược liệu

Bột vỏ thân, vỏ cành: Nhiều tế bào mô cứng hình chữ nhật hoặc hình nhiều cạnh  màu vàng nhạt, thành rất dày, có ống trao đổi rõ, đứng  riêng lẻ hay tụ họp thành từng đám. Sợi thành dày, có ống  trao đổi rõ. Mảnh bẩn gồm tế bào chữ nhật, xếp đều đặn,  thành dày. Mảnh mô mềm gồm các tế bào hình nhiều cạnh,  thành mỏng. Tinh thể calci oxalat hình chữ nhật, hình lập  phương, rộng khoảng 40 µm. Hạt tinh bột nhỏ, đường kính  4 µm, đôi khi tới 16 µm.

5. Phân bố, sinh học và sinh thái

Cây mọc nhiều ở Nam Trung Quốc; ở Thái Lan, Ấn Độ, Malaysia, Nhật Bản (kyushu, quần đảo Ryukyu) cũng thấy xuất hiện cây này. Ở Việt Nam, cây mọc nhiều nhất tại các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Lào Cai..., một số nơi trồng làm hàng rào.

6. Bộ phận dùng, thu hái, chế biến

Vỏ thân và vỏ cành (Cortex Schefflerae heptaphyllae).

7. Thành phần hoá học

Vỏ chứa saponin (nhóm ursan và olean), tanin, tinh dầu (0,8%)

8. Tác dụng dược lý - Công dụng

Đau lưng, đau xương cốt do hàn thấp, gân xương co rút, sưng đau, hoặc  sưng đau do sang chấn.