Nhảy đến nội dung
sả

 

1. Tổng quan

Tên khác: Cỏ sả, lá sả, hương mao.

Tên khoa học: Cymbopogon citratus (DC.) Stapf

Họ: Poaceae (họ Lúa )

2. Mô tả

Sả là loài cỏ sống lâu năm mọc thành bụi, rễ chùm, cao từ 0,8-1,5 m hay hơn.

Thân rễ trắng hay hơi tím, có đốt ngắn được bao bọc kín bởi các bẹ lá, tạo thành các tép sả.

Lá hẹp như lá lúa, có gân chính nổi rõ, hai mặt và mép lá có lông cứng, nhám. Độ dài của lá tuỳ theo từng loài, có thể từ 0,2-1,2 m.

Cụm hoa chuỳ gồm nhiều bông nhỏ không cuống, có 2 loại hoa trên cùng một cây: hoa lưỡng tính và hoa đực.

Toàn cây có mùi thơm đặc biệt.

3. Phân bố, sinh học và sinh thái

Cây sả được trồng khắp nơi trên Việt Nam, thường dùng làm gia vị và chiết tinh dầu.

4. Bộ phận dùng, thu hái, chế biến

Toàn cây (Herba Cymbopogonis citrati), tinh dầu (Oleum Cymbopogonis citrati).

5. Thành phần hoá học

Tinh dầu có thành phần chính là (citral A) và neral (citral B), geranial, myrcen và các thành phần khác (nerol geraniol, citronellal, terpinolen, geranyl acetat, và methylheptenon) thay đổi tuỳ từng loại sả.

Mùi đặc trưng của sả do thành phần metylheptenon có trong tinh dầu.

Flavonoid (luteolin, isoorientin 2’-O-rhamnoside, quercetin, kaempferol và apiginin).

6. Tác dụng dược lý - Công dụng

Lá sả dùng pha nước uống cho mát và trị đầy bụng;

Củ sả có tác dụng thông tiểu tiện, làm ra mồ hôi, chữa cảm sốt;

Tinh dầu Sả dùng làm thuốc trợ tiêu hóa, xông chữa cảm sốt, khử mùi hôi tanh và xua đuổi ruồi, muỗi.

Ghi chú: Bên cạnh loài Sả chanh, còn 1 số loài sả khác cũng được sử dụng trong đời sống. Về thành phần hoá học và giá trị kinh tế của tinh dầu, Sả được chia làm 3 nhóm chính:

1. Sả Citronelle (cho tinh dầu citronelle): Cymbopogon winterianus – Sả Java; Cymbopogon nardus – Sả Srilanka;

2. Sả hoa hồng (Sả Palmarosa, cho tinh dầu có mùi hoa hồng): Cymbopogon martini.

3. Sả chanh (cho tinh dầu Lemongrass): Cymbopogon citratusCymbopogon flexuosus.