Nhảy đến nội dung

sâm bố chính

 

1. Tổng quan

Tên khác: Sâm thổ hào, Sâm báo, Nhân sâm Phú Yên, Sâm tiến vua.

Tên khoa học: Abelmoschus sagittifolius (Kurz) Merr.

Họ: Malvaceae (họ Bông).

2. Mô tả

Cây thảo, sống lâu năm, cao 0,5-1 m hay hơn. Thân có lông.

Lá mọc so le, mép có khía răng, lá dưới gốc hình xoan, không xẻ thùy; lá giữa và lá trên ngọn thường chia thành 5 thùy hẹp, đôi khi 3 thùy tạo thành hình mũi tên; gân lá chân vịt. Lá kèm hình sợi.

Hoa mọc riêng lẻ ở kẽ lá, màu đỏ hoặc hồng.

Quả hình trứng nhọn, có khía dọc, phủ đầy lông cứng. Hạt hình thận, màu nâu.

3. Đặc điểm giải phẫu (vi học)

Vi phẫu rễ:

Lớp bần gồm 3 đến 6 hàng tế bào, có khi tới 10 hàng đến 15 hàng. Mô mềm vỏ cấu tạo bởi tế bào hình nhiều cạnh, chứa hạt tinh bột. Rải rác trong mô mềm có các tinh thể calci oxalat hình cầu gai và các túi tiết chất nhầy. Bó libe hình nón, rải rác có vài đám sợi. Bó gỗ cấu tạo bởi những đám mạch gỗ rải rác trong mô mềm gỗ. Tia ruột gồm 2 đến 3 hàng tế bào từ vùng gỗ ra tới vùng libe thì loe thành hình phễu. Tế bào tia ruột cũng chứa tinh bột.

4. Đặc điểm bột dược liệu

Bột rễ: Bột màu trắng ngà hay vàng nhạt, có nhiều hạt tinh bột riêng lẻ, hình dạng thay đổi, kích thước từ 12 μm đến 34 μm, có khi 2 đến 3 hạt dính vón nhau. Sợi libe có thành hơi dày, rộng khoảng 20 μm. Mảnh mạch điểm, mạch mạng. Tinh thể calci oxalat hình cầu gai. Mảnh mô mềm gồm nhiều tế bào chứa tinh bột.

5. Phân bố, sinh học và sinh thái

Sâm bố chính mọc hoang và được trồng ở nhiều nơi ở Việt Nam. Miền Bắc có nhiều nhất ở các vùng núi huyện Nam Đàn, Thanh Chương, Hương Sơn (Nghệ An, Hà Tĩnh). Một vài địa phương thuộc Quảng Bình, Hoà Bình và Tây Bắc.

6. Bộ phận dùng, thu hái, chế biến

Rễ củ (Radix Abelmoschi sagittifolii) thu hái vào mùa thu, đông, cắt bỏ rễ con, đồ chín rồi phơi hay sấy khô.

7. Thành phần hoá học

Chất nhầy (30-40%), sesquiterpenoid (acyl hibiscone, (R)-lasiodiplodin, hibiscone B…), phytosterol, coumarin, acid béo, acid hữu cơ, protid.

8. Tác dụng dược lý - Công dụng

Chủ trị: Cơ thể suy nhược, hư lao. kém ăn, kém ngủ, thần kinh suy nhược, hoa mất, chóng mặt, đau dạ dày, tiêu chảy, ho, viêm họng, viêm phế quản.