1. Tổng quan
Tên khác: Tam thất gừng, Khương tam thất.
Tên khoa học: Curcuma clovisii Škorničk. Synonym: Stahlianthus thorelii Gagnep.
Họ: Zingiberaceae (họ Gừng).
2. Mô tả
Cây thảo không có thân, có thân rễ dày bao bởi những vết của lá đã rụng thường phân nhánh mang nhiều củ nhỏ bằng quả trứng chim xếp thành chuỗi, có rễ con dạng sợi. Lá mọc rời, 3-5 cái, có cuống dài, xuất hiện sau khi cây ra hoa. Phiến lá thuôn dài, chóp nhọn, màu lục, lục pha nâu hay nâu tím, mép nguyên, lượn sóng. Cụm hoa ở gốc, nằm ở bên lá; cuống hoa dài 6-8cm, ở phía cuối có một lá bắc hình ống, bao lấy hoa. Hoa 4-5 cái, có lá bắc và lá bắc con dạng màng. Tràng hoa màu trắng, họng vàng. Bầu nhẵn, chia 3 ô.
3. Phân bố, sinh học và sinh thái
Cây mọc hoang ở chỗ ẩm mát, ven bờ suối, hốc khe. Thường được trồng lấy củ làm thuốc. Mặt ngoài của củ có vằn ngang màu đen, trong có chất bột trắng ngà như màu của củ Tam thất.
4. Bộ phận dùng, thu hái, chế biến
Thân rễ
5. Thành phần hoá học
Thân rễ chứa tinh dầu: các sesquiterpen gồm α-copaene (32.2 %) and (-)-allo-aromadendren (11.3 %) và monoterpen, tinh bột.... Trong lá cũng chưa tinh dầu nhưng với hàm lượng ít hơn
6. Tác dụng dược lý - Công dụng
Tam thất nam có vị cay, hơi đắng, tính ấm; có tác dụng thông kinh hoạt huyết, tiêu viêm, cầm máu.
Công dụng: Thường được dùng chữa:
Hành kinh chậm kỳ, máu xấu lởn vởn không tươi, đau bụng khi hành kinh;
Thổ huyết, chảy máu cam, kinh nguyệt quá nhiều;
Trùng độc cắn và rắn cắn;
Đau sưng do ngã, đau xương do phong thấp;
Ăn kém tiêu, nôn đầy. Cũng có khi được dùng làm thuốc bổ chữa thiếu máu.
Liều dùng 4 – 8 g, dạng bột