1. Tổng quan
Tên khác: Chè đồng, Chè cay, Tràm gió.
Tên khoa học: Melaleuca cajuputi Powell. Synonym: Melaleuca leucadendra var. minor (Sm.) Duthie.
Họ: Myrtaceae (họ Sim).
2. Mô tả
Tràm là một cây phát triển tự nhiên có thể cao tới 4-5 m, nhưng bị cắt xén thường xuyên chỉ còn là những cây bụi chừng 40-50 cm. Trên thân cây to lớp vỏ bong ra thành từng mảng to dài.
Lá mọc so le, cuống màu xanh vàng nhạt, phiến lá hình mác, trên có những gân chạy dọc theo gân chính, lúc đầu mỏng và mềm, về sau thành dày, cứng và giòn; thường dài 4-8 cm, rộng 10-20 mm.
Hoa nhỏ màu trắng vàng nhạt, không cuống, mọc thành bông ở đầu cành, nhưng sau từ đầu bông hoa, cành lại mọc dài thêm và mang lá thành ra bông hoa nằm giữa cành lá trông rất đặc biệt.
Quả nang rất cứng, 3 ngăn, hình tròn, đường kính 13mm, cụt ở đỉnh, đài cứng tồn tại ôm sâu vào quả. Hạt hình trứng, dài chừng 1mm
Tên cajeput do chữ Malaixia của tên cây cajuputi hay kaiputi có nghĩa là gỗ trắng vì cây này có màu nhạt trông xa như một rừng màu trắng.
3. Đặc điểm giải phẫu (vi học)
Lá: Thiết diện lá thường chỉ hơi lồi ở những chỗ có gân lá. Biểu bì có lớp cutin dày mang nhiều lỗ khí ở cả hai mặt lá và có thể gập lông che chở ở các lá non. ở mặt cắt ngang phần gân ở khoảng giữa lá, dưới biểu bì là 3 đến 5 lớp tế bào mô dầy tròn cả ở mặt trên và mặt dưới, bó libe-gỗ chồng kép với vòng libe gần như bao tròn quanh gỗ. Libe là các đám tế bào đa giác nhỏ, bị ép dẹt bởi các mạch gỗ. Phía trên và phía dưới bó libe-gỗ là hai cung sợi mô cứng, có thiết diện gần tròn, khoang rất hẹp. Điểm giữa phía trên của vùng gỗ và đám sợi phía trên libe thường phát triển nối liền nhau nên chia cắt libe thành hai phần tách rời. Sát bên các đám sợi thường có một vòng tế bào mô mềm chứa tinh thể calci oxalat hình khối và hình cầu gai. Mô mềm giậu ở phiến lá có từ 1 đến 2 lớp tế bào ở cả hai mặt lá. Rải rác trong phần phiến lá còn có: Các tế bào mô cứng hình đa giác, thành khá dày nằm trong trong mô mềm ở giữa; tinh thể calci oxalat hình khối và hình cầu gai; túi tiết to gần bằng bó libe-gỗ chính, nằm trong vùng mô giậu sát biểu bì trên và dưới, chứa đầy tinh dầu màu vàng nhạt. Các bó libe-gỗ lớn cách khoảng đều đặn trong phần phiến lá và có cấu tạo như nhau.
4. Đặc đểm bột dược liệu
Bột cành và lá: Bột màu xanh nhạt, khô tơi, có ít xơ, mùi thơm, vị đắng. Nhiều sợi thành dày, khoang rộng hay hẹp, thường có kèm tinh thể calci oxalat hình khối ở các tế bào mô mềm xung quanh sợi. Mảnh mô mềm, tế bào thành mỏng, trong có thế chứa tinh thể calci oxalat hình khối và hình cầu gai. Các tế bào mô cứng rất ít, thường đứng riêng rẽ, hình đa giác, thành hơi dày, có ống trao đổi. Tinh thể calci oxalat hình cầu gai và hình khối rời. Mảnh biểu bì mang lỗ khí kiểu hỗn bào. Lông che chở đơn bào ít. Mảnh mạch vạch, mạch xoắn, mạch điểm.
5. Phân bố, sinh học và sinh thái
Cây tràm mọc hoang tại khắp nơi trong nước ta từ Nam đến Bắc, nhiều nhất tại miền Nam, tràm mọc thành từng rừng bạt ngàn.
6. Bộ phận dùng, thu hái, chế biến
Cành và lá (Ramulus cum folio Melaleucae), tinh dầu tràm (Aetheroleum Cajuputi).
7. Thành phần hoá học
Chủ yếu là tinh dầu, flavonoid, tannin.
Tinh dầu (0,3- 0,6%) có thành phần chính là 1,8-cineol (còn gọi là eucalyptol, cajeputol) (45-60%). Ngoài ra còn có α-terpineol (terpinen-4-ol), β-caryophyllen, globulol, eugenol và các chất khác.
Các flavonoid bao gồm các glycosid của myricetin và quercetin (myricitrin, myricetin 3-O-methyl 3’-β-D-xylopyranosid, quercetin 3-O-methyl 3’-β-D-xylopyranosid).
Tanin bao gồm dẫn xuất của acid gallic (acid 3,3’,4-tri-O-methylellagic).
8. Tác dụng dược lý - Công dụng
Cành và lá - Công năng: Phát tán phong hàn, giảm đau, sát trùng. Chủ trị: Cảm mạo phong hàn. Dùng ngoài trị viêm da dị ứng, chàm.
Tinh dầu có tác dụng chữa cảm sốt, ngạt mũi, sát khuẩn đường hô hấp trị ho; xoa bóp trị đau nhức, tê thấp, sát trùng ngoài da.
Cineol chữa ho, sát khuẩn đường hô hấp.
Lá Tràm thường được nhân dân một số vùng (Vĩnh Phúc, Phú Thọ) nấu uống thay chè lại mọc hoang ngoài đồng cho nên có tên chè đồng, vị nước uống hơi cay cho nên còn có tên chè cay.