Nhảy đến nội dung

trầu không

 

1. Tổng quan

Tên khác: Trầu, Trầu cay.

Tên khoa học: Piper betle L.

Họ: Piperaceae (họ Hồ tiêu).

2. Mô tả

Cây leo bằng rễ bám, thân nhẵn có khía dọc.

Lá so le, cuống có bẹ, phiến hình trái xoan thường nhọn ở đầu, dài 10-13 cm, rộng 4,5-9 cm, phía cuống hình tim, hai mặt nhẵn, mặt trên sẫm bóng, 5 gân vòng cung, nổi rất rõ mặt dưới.

Hoa khác gốc mọc thành bông thòng xuống ở kẽ lá. Lá bắc tròn hoặc hình trái xoan; hoa đực dài có cuống có lông, nhị 2, chỉ nhị ngán; hoa cái dài khoảng 5 cm, cuống phủ đầy lông, bầu có lông ở đỉnh.

Quả mọng tròn, có lông ở đỉnh.

Toàn cây có tinh dầu thơm, cay.

3. Phân bố, sinh học và sinh thái

 Nguồn gốc từ châu Á, ở Việt Nam được trồng khắp nơi

4. Bộ phận dùng, thu hái, chế biến

 Lá (Folium Piperus)

5. Thành phần hoá học

Lá chứa tinh dầu 0,7 – 2,6% gồm chủ yếu là dẫn chất phenol: eugenol, chavibetol, chavicol và nhiều phenolic thuộc nhóm phenylpropan.

Tinh dầu lá Trầu không chứa các monoterpen, serquiterpen…

6. Tác dụng dược lý - Công dụng

Tác dụng dược lý: Trầu không có tính kháng khuẩn trên cả vi khuẩn gram dương và gram âm, có tính kháng viêm mạnh, chống co thắt trên mô cơ trơn, ức chế sự tăng quá mức nhu động ruột, gây trung tiện, có tác dụng ức chế hệ thần kinh trung ương ở động vật có vú.

Công dụng và cách dùng: Trầu không thường được dùng chữa nhức mỏi, đau bụng đầy hơi, vết thương nhiễm trùng có mủ sưng đau, nước sắc rửa vết loét, vết thương, trị mẫn ngứa, mụn nhọt. Tại Việt nam có nhiều chế phẩm dùng ngoài trị viêm nhiễm, lở loét và trị viêm nhiễm trong phụ khoa