Căng thẳng kéo dài có thể tăng tỷ lệ ung thư
Hiện nay, các nghiên cứu dịch tễ học vẫn chưa cung cấp đầy đủ các dữ liệu đồng nhất về mối liên quan giữa căng thẳng mạn tính và sự khởi phát của bệnh ung thư. Nghiên cứu của ThS. Phạm Thanh An và cộng sự vừa xuất bản trên tạp chí Cancers đã khảo sát về mối liên quan giữa căng thẳng mạn tính và tỉ lệ mắc mới ung thư. Nghiên cứu được thực hiện trên 6341 người tham gia của nghiên cứu đoàn hệ Lifelines, tại Hà Lan từ năm 2014. Trong đó, căng thẳng mạn tính được đo lường thông qua mức cortisol và cortisone trong tóc (HairF và HairE). Tỉ lệ mắc mới ung thư từ năm 2015 đến 2021 được xác định dựa vào liên kết giữa nghiên cứu Lifelines và Ngân hàng Dữ liệu Bệnh học quốc gia Hà Lan (Palga).
Trong số 2776 người tham gia có nồng độ cortisol trong tóc chính xác và không có tiền sử ung thư, có 238 người mắc ung thư trong thời gian nghiên cứu. Nhóm nghiên cứu không tìm thấy mối liên quan giữa nồng độ cortisol trong tóc và tỉ lệ mắc mới ung thư (HR: 0,993, KTC 95%: 0,740–1,333). Đồng thời, nhóm nghiên cứu không xác định được yếu tố gây nhiễu hoặc yếu tố gây thay đổi ảnh hưởng. Trong số 4699 người tham gia có nồng độ cortisone chính xác và không có tiền sử ung thư, có 408 người mắc bệnh ung thư trong thời gian nghiên cứu. Trong mô hình phân tích có điều chỉnh về tuổi là yếu tố gây nhiễu và giới tính là yếu tố gây thay đổi ảnh hưởng, logarit của nồng độ cortisone trong tóc (LogHairE) có liên quan đến tỉ lệ mắc mới ung thư (HR: 6,403, KTC 95%: 1,110 – 36,920).
Kết quả nghiên cứu cho thấy, căng thẳng mạn tính được đo lường qua mức cortisone trong tóc có liên quan đến tỉ lệ mắc ung thư sau khi kiểm soát tuổi và giới tính. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu không xác định được vai trò của các thành phần của hội chứng chuyển hóa không trong mối liên quan này.
Nghiên cứu nhấn mạnh sự cần thiết của việc kiểm soát các yếu tố như tuổi và giới tính khi nghiên cứu về mối liên quan giữa căng thẳng mạn tính và ung thư, đồng thời gợi ý về các biện pháp hạn chế và giảm thiểu căng thẳng có thể áp dụng trong phòng ngừa và điều trị ung thư. Việc đánh giá nồng độ glucocorticoid trong tóc có thể giúp xác định những người có nguy cơ mắc ung thư cao, từ đó giúp triển khai các biện pháp can thiệp nhằm giảm thiểu tỷ lệ mắc bệnh ung thư.
Bài báo được ThS. Phạm Thanh An công bố vào tháng 5/2024. Toàn văn bài báo có thể được truy cập tại link: Cancers | Free Full-Text | Chronic Stress Related to Cancer Incidence, including the Role of Metabolic Syndrome Components (mdpi.com)